TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 93 CN 08.07.2007

 

Web site : www.tinvui.org

E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

Mục lục

 Chúa Nhật  XIV Thường Niên C (08.07.2007)

LÚA CHÍN ĐẦY ĐỒNG..

SỐNG ĐẠO HẰNG NGÀY..

Bức Thư của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI.

gởi cho Giáo Hội tại Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.

Một số phản ứng.

Một số tình hình diễn biến.

ĐỨC THÁNH CHA TUYÊN BỐ NĂM THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ..

Thánh Giá Đại Hội Giới Trẻ Đã Đến Úc Châu.

Sắp ban hành Tự Sắc của ÐTC Bênêđitô XVI cho phép tự do cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latinh, theo nghi thức cũ trước Công Ðồng Vaticanô II.

ĐỨC THÁNH CHA TRAO DÂY PALLIUM CHO 46 VỊ TỔNG GIÁM MỤC..

Lễ truyền chức cho 18 tân Linh Mục tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

50 NĂM GIÁO PHẬN NHA TRANG..

Tân Linh mục Giuse Vũ Văn Quyên dâng thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ Phú Bình (Sài Gòn)

MÁI ẤM NHÂN ÁI.

TÂM TÌNH VỚI CÁC TÂN LINH MỤC..

Ra đi – Rao giảng - Rộng tay.

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC..

LÀM MẸ ĐỠ ĐẦU..

VƯỢT THẮNG TÀN TẬT NHỜ TÌNH THƯƠNG BAO LA CỦA GIA ĐÌNH..

Những điều mong ước gửi các linh mục…...

BẢO TRÌ.

PHÊRÔ(*)

 

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

Chúa Nhật  XIV Thường Niên C
(08.07.2007)

Lc 10, 1-9 {hoặc 1-12. 17-20}

"Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: 'Bình an cho nhà này'. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

"Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: 'Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi'.

{"Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: 'Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần'. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Người bảo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".} Đó là lời Chúa.

 

LÚA CHÍN ĐẦY ĐỒNG

Mỗi lần nghe bài hát xem ra đã quá quen thuộc từ bao năm nay :” Lạy Chúa xưa Chúa đã phán, lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành, để nước Chúa rộng lan khắp nơi, xin Chúa ban cho đoàn chúng con nên tông đồ mở nước Chúa trời “, chúng ta vẫn như cảm thấy có một cái gì đó thôi thúc chúng ta hăng say phục vụ, mau mắn loan truyền Tin Mừng, giới Đức Giêsu Kitô cho nhiều người. Thế giới hôm nay vẫn còn quá nhiều người chưa nhận ra Chúa, vẫn còn không biết bao nhiêu người không được nghe Lời Chúa, không được loan báo Tin Mừng cứu độ. Lời của Chúa Giêsu vẫn như đang nói với chúng ta:” Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt “( Lc 10, 2 ).

MỘT THẾ GIỚI MÊNH MÔNG CHƯA ĐỦ NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG :

Thử làm con tính nhẩm, chúng ta sẽ thấy rất ngạc nhiên và lạ lùng vì trên thế giới hiện giờ có hơn 7 tỷ người, nhưng mới có hơn 1 tỷ biết Chúa. Tại Á Châu, một lục địa rộng lớn chiếm 2/3 dân số thế giới, nhưng số người theo Chúa, gia nhập đạo Công giáo chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa tới 3% người theo Kitô giáo. Thế giới quả thực rất mênh mông, rộng lớn, nhiều mảnh đất, nhiều nước, nhiều lục địa hầu như vẫn còn đang bị bỏ hoang không thợ gặt. Các đồng lúa chín vàng trĩu hạt, nhưng thợ gặt lại quá ít oi, thiếu thốn thợ gặt trầm trọng. Thế giới chúng ta đang sống xem ra vẫn còn bóng đêm dầy đặc bao phủ, vẫn còn chiến tranh, thù nghịch, chia rẽ và sự dữ bủa vây. Do đó, thế giới vẫn cần ánh sáng của tình thương, của bao dung, tha thứ. Chính vì thế, không lạ gì khi Chúa Giêsu đã nói :” Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói”( Lc 10, 3 ). Cuộc ra đi của các tông đồ xem ra phải đối diện với trăm ngàn thử thách, phải đương đầu với những khó khăn nguy hiểm, với túng thiếu, với bấp bênh vv…Vì Chúa nói :” Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” ( Lc 10, 4 ). Tuy vậy, các tông đồ và các sứ giả Tin Mừng vẫn phải ra đi. Ra đi chứ không ở lại, ra đi chứ không ù lì, đứng im tại chỗ. Ra đi là một lệnh truyền, chứ không chỉ là lời khuyên mà thôi. Chúa Giêsu nêu gương cho các tông đồ và Giáo Hội về kiếp sống của Người ở trần gian. Cuộc đời của Người là một cuộc hành trình không ngơi nghỉ. Từ lúc sinh ra cho đến khi chịu treo trên thập giá, Chúa Giêsu luôn chấp nhận sự thiếu thốn, bấp bênh :” Chồn có hang, chim có tổ, con người không nơi tựa đầu…”. Đời của Chúa Giêsu là một cuộc lên đường không ngừng.

ƠN GỌI CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU LÀ RA ĐI :

Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt : đó là hoàn cảnh của thế giới hôm nay. Một thế giới đông người, nhưng thiếu ánh sáng Tin Mừng. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định :”…Hội Thánh lữ hành phải truyền giáo “ ( TG 2 ). Không ai được miễn trừ lệnh truyền của Chúa Giêsu :” Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”( Mt 28, 19 ). Lệnh truyền của Chúa Giêsu được vang lên không chỉ đối với các môn đệ, các tông đồ khi xưa mà nó còn vang vọng tới mọi người trong mọi thời đại. Ra đi để đem sự an bình cho con người, cho mọi người vì sự bình an do chính Thiên Chúa trao ban nhưng không cho nhân lọai. Sự bình an mà chính các thiên thần đã hát vang ngày sinh nhật của Chúa Giêsu :” Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm” ( Lc 2, 14 ). Giáo Hội lữ hành luôn có sứ mạng loan báo ơn cứu độ và mọi người luôn được mời gọi loan báo Nước Thiên Chúa và chữa lành mọi bệnh họan tật nguyền. Đức Giáo Hòang Gioan Phaolô II đã nói :” Không một ai tin Đức Giêsu, không một tổ chức nào trong Hội Thánh được miễn trừ sứ mạng cao cả : “ Loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc “ ( Sứ vụ Đấng Cứu Thế, 3 ). Thánh Phaolô cũng đã không ngần ngại thốt lên:” Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng “( 1 Co 9, 16 ). Chúa Giêsu sai các môn đệ và chúng ta đi rao giảng Tin Mừng. Giáo Hội mời gọi mọi Kitô hữu ra đi làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh. Chính vì thế, ơn gọi của người Kitô hữu là ra đi thả lưới, ra đi làm chứng cho Nước Trời, nước công chính và bình an.

Lạy Chúa, xin giúp cho chúng con trở nên những sứ giả nhiệt thành loan báo Tin Mừng và giới thiệu Nước Thiên Chúa. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Mục lục

 

CON ĐƯỜNG TU ĐỨC

SỐNG ĐẠO HẰNG NGÀY

Càng thêm tuổi và càng thêm đau yếu, tôi càng thêm kinh nghiệm về sống đạo.

Kinh nghiệm sống đạo của tôi tới giờ này gồm một điều tôi không thích và một điều tôi yêu thích.

Điều tôi không thích là: Nhìn việc sống đạo như phải khép mình sống trong một guồng máy lớn luôn xoay vần khắt khe, với vô vàn luật lệ tỉ mỉ và vô số tín điều khó hiểu.

Điều tôi thích là: Nhìn việc sống đạo như được sống gắn bó với một Đấng thiêng liêng, mà tôi gọi là Tin Mừng của tôi. Vì Người yêu thương tôi, vì Người cứu độ tôi, vì Người cho tôi khám phá thấy dần dần kho tàng lòng thương xót vô biên của Người.

Việc sống đạo, mà tôi ưa thích, như vừa mô tả là rất cụ thể. Hôm nay tôi xin phép chia sẻ đôi chút về việc sống đạo của tôi mỗi ngày.

1/ Đón nhận

Mỗi sáng, tôi cầu xin Chúa giúp tôi biết đón nhận Chúa và thánh ý Chúa về tôi trong ngày đó.

Việc cầu nguyện là cần thiết. Vì cách Chúa đến không phải luôn luôn như tôi tưởng.

Trước hết, tôi đón Chúa qua phép Thánh Thể và qua Lời Chúa. Phải đón nhận Chúa với tinh thần thơ ấu (x. Mc 10,15). Nếu không, thì tôi sẽ dễ rơi vào ảo tưởng. Thí dụ: Tôi đón Chúa với những thiên kiến, rồi ngang nhiên gán cho Chúa một hình ảnh không phải thực là của Chúa, nhất là gán cho Chúa những ý tưởng không phải của Chúa, mà là của riêng tôi.

Chúa bị người ta đổ oan nhiều thứ lắm đó.

Sau con đường Thánh Thể và Lời Chúa, Chúa còn đến với tôi mỗi ngày qua các bài suy niệm đạo đức.

Những bài suy niệm đạo đức đáng tin cậy không phải được viết ra do bất cứ ai. Ưu tiên tôi chọn tác giả là các thánh.

Những bài suy niệm đạo đức đúng đắn hiện nay tại Việt Nam không đến nỗi thiếu.

Ngoài những bài suy niệm, tôi thấy Chúa đến với tôi qua những con người. Rất nhiều lần Chúa đến với tôi qua những người rất thường. Họ đến trong đời sống khiêm nhường. Khi tiếp xúc với đời, tôi cần tỉnh táo, kẻo nghe theo những xúi dại, vịn vào danh Chúa.

Thêm vào đó, Chúa còn đến với tôi qua các biến cố lớn nhỏ. Những biến cố ấy có thể là những vui buồn xảy đến cho tôi, hoặc cho người khác, hoặc cho một phần Hội Thánh, hoặc cho một phần nhân loại.

Nói chung, dù đến cách nào, Chúa vẫn không đến ngoài những gì Người đã dạy và nêu gương trong Phúc Âm. Nghĩa là Người đến, để dẫn tôi vào con đường vâng phục thánh ý Chúa một cách cụ thể trong thực tế đời tôi. Phải coi chừng ảo tưởng.

2/ Làm theo ý Chúa

Ngày nào, tôi cũng xin ơn để biết làm theo ý Chúa. Làm nói đây không phải là làm bằng tay chân, nhưng là làm bằng trái tim.

Làm bằng trái tim là hết sức mến Chúa, hết lòng thương yêu phục vụ người khác.

Mến Chúa và yêu người như vậy sẽ được thực hiện qua việc chu toàn việc bổn phận hằng ngày một cách tốt nhất, trong đó việc nâng quê hương Việt Nam lên những giá trị cao đẹp là một bức xúc thường xuyên.

Mến Chúa và yêu người như vậy càng sẽ đòi hỏi tôi phải trở nên con người mới. Tái sinh là bổn phận mỗi ngày.

Khi làm như thế, tôi cảm thấy rõ việc thống hối, ăn năn, luôn trở về với Chúa mỗi ngày là một nhu cầu thiêng liêng không được coi thường.

Tôi nhấn mạnh đến việc thống hối, ăn năn, trở về với Chúa mỗi ngày, vì tôi thấy mình rất yếu đuối, dễ lỗi lầm, hay vấp ngã. Nhất là về đức yêu thương.

Biết bao lần tôi đã vô tình làm cho người khác đau lòng. Biết bao lần tôi đã bỏ qua những dịp, đáng lẽ ra tôi nên nắm lấy, để phục vụ người khác. Biết bao lần tôi đã không rộng lượng đủ trong các giao tế, ứng xử. Biết bao lần tôi đã không thông cảm dịu dàng với những người đau khổ. Biết bao lần tôi đã không tế nhị đủ với các tôn giáo bạn.

Ngoài việc thống hối, ăn năn và phục vụ, việc làm hằng ngày mà Chúa muốn tôi làm, còn là vác thánh giá.

Vác thánh giá là chịu những đau đớn khác nhau về phần xác và chịu những đau đớn đủ thứ về tinh thần.

Có những đau đớn do tôi làm cớ xảy ra. Có những đau đớn do người khác gây ra. Có những đau đớn do Chúa gởi đến để thanh luyện tôi.

Chịu đau đớn mà được an ủi sẽ thấy bớt khổ. Nhưng chịu đau đớn mà như bị chìm trong thất vọng tối tăm sẽ thấy rất khổ. Những lúc đó, việc làm của tôi sẽ rất cần ơn Chúa. Nói chung, tôi phải luôn cộng tác với Chúa mới có thể sinh hoa kết quả.

3/ Cộng tác với ơn Chúa

Tôi cộng tác với ơn Chúa bằng việc cầu nguyện. Nhất là xin ơn biết phân định và khôn ngoan.

Tôi cầu xin Chúa luôn hiện diện bên tôi như người Cha tha thứ, như người Cha nhân từ đi tìm con chiên lạc, như người Cha dâng mình, chịu chết đau đớn trên thánh giá, để đền tội cho nhân loại, và để làm chứng cho tình yêu xót thương của Cha trên trời.

Hiện nay, sự cộng tác của tôi với ơn Chúa được nhấn mạnh đến việc cộng tác với Hội Thánh. Đức đương kim Giáo Hoàng đang phải đối phó với nhiều thách đố lớn. Có lẽ thách đố lớn nhất đặt ra cho Ngài là tình trạng suy thoái của Thiên Chúa giáo tại Âu châu và tại nhiều nước. Tình trạng này đã bắt đầu từ nhiều năm nay. Chính Ngài đã nhìn thấy trước tình trạng đau buồn đó. Khi Ngài còn là Hồng Y, Ngài đã nói lên cái nhìn đó của Ngài. Lúc ấy, nhận định của Ngài bị nhiều người đánh giá là bi quan. Nay thì ai cũng thấy, không phải là bi quan mà là sự thực.

Sự thực đáng buồn đó sẽ có thể xảy ra cho Hội Thánh tại Việt Nam không? Tôi cầu xin Chúa cho việc sống đạo của chúng ta tại Việt Nam hôm nay biết nhìn xa, nhìn rộng. Hãy biết cộng tác với Chúa, để sự suy thoái đừng xảy ra cho bất cứ đâu, nhất lại tại quê hương Việt Nam yêu quý này. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại: Đừng ảo tưởng, đừng tự mãn, đừng ngây thơ nông nổi.

Một chút chia sẻ trên đây của tôi chỉ là riêng tư. Hy vọng nó cũng được coi là một tâm sự chân thành của một người đang sống thời gian sau cùng của đời mình. Sống mệt mỏi, yếu đau, nhưng không ngừng thao thức về sống đạo nơi bản thân mình và nơi mọi người tin theo Chúa.

Rất mong tâm sự này cũng sẽ là một gợi nhớ cho một thời đầy biến chuyển, mà chỉ những ai đã qua mới cảm được sống đạo là phải tỉnh thức và phấn đấu cam go với chính mình, để biết đón nhận ý Chúa và cộng tác với Chúa, chỉ vì danh Chúa mà thôi.

 ĐGM GB Bùi Tuần

Mục lục

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

Bức Thư của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI

gởi cho Giáo Hội tại Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa

 

Thứ Bảy, ngày 30 tháng 6 năm 2007, Phòng Báo Chí Toà Thánh đã chính thức công bố bức thư của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI gởi cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, với tựa đề chính thức như sau:

Thư của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI gởi Các Giám Mục, Linh Mục, Những Người Sống Ðời Thánh Hiến và Anh chị em Tín Hữu Giáo Dân của Giáo Hội Công Giáo tại Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.

Bức Thư được công bố ngay từ đầu trong các thứ tiếng sau đây: Tiếng Mandarin Truyền Thống (được xử dụng tại Ðài Loan), Tiếng Mandarin Ðơn Giản Hoá (được xử dụng tại Trung Quốc), Tiếng Pháp, Tiếng Anh và Tiếng Ý. Bức Thư đã được Ðức Thánh Cha ấn ký "tại Roma, cạnh Ðền Thờ Thánh Phêrô, ngày 27 tháng 5, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, năm 2007, năm thứ ba của triều giáo hoàng."

Bản Văn Tiếng Ý của Bức Thư dài 21 trang, và được ghi số, từ 1 cho đến 20. Nhìn vào Dàn Bài của Bức Thư, chúng ta ghi nhận như sau: không kể phần nhập đề và kết luận, Bức Thư có hai phần chính.

Phần I, có tựa đề là: Hoàn Cảnh của Giáo Hội. Những Khía Cạnh Thần Học. Từ số 3 cho đến hết số 9.

Phần II có tựa đề: Những Ðịnh Hướng cho Sinh Hoạt Mục Vụ. Từ số 10 cho đến hết số 17.

Kết luận bức thư có ba số 18, 19 và 20.

Một số phản ứng


1. Cha Chánh văn phòng Tổng Giáo Phận Đài bắc.


Theo bài phỏng vấn của đài phát thanh Veritas ban Hoa ngữ vào tối ngày 30-6-2007 : Cha Phanxicô Kim Dục Vĩ (Francis King), Chánh văn phòng Tổng Giáo Phận Đài Bắc cho biết : Văn kiện Toà Thánh Vatican phát biểu rất thận trọng trong việc chọn lựa thời gian và địa điểm, lần này cũng không ngoại lệ. Đức Giáo Hoàng chọn ngày 27-5, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống để hoàn thành thư này, hàm ý can đảm đối diện với thách đố dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; Ngài cho dự báo sẽ công bố thư này vào ngày 29-6, lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tông đồ, ám chỉ Ngài là Đấng kế vị của Thánh Phêrô, người lãnh đạo Hội Thánh. Cha Chánh văn phòng cho rằng chúng ta không thể giải thích nội dung thư của Đức Giáo Hoàng dưới góc độ chính trị. Từ năm 1951, Toà Thánh Vatican không ngừng tỏ thiện chí đối với Trung Quốc trong trường hợp chính thức cũng như không chính thức, người ta lại ngộ nhận là sắp thiết lập ban giao giữa Toà Thánh và Trung Quốc. nhưng trong thực tế, điều Đức Giáo Hoàng quan tâm nhất là : tính hợp pháp của Giáo Hội tại Trung Quốc; cộng đồng dân Chúa có thể hiểu được giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô không; sự phát triển của Giáo Hội và sự tự do của người dân.


2. Những nhận định của các giáo sư đại học.

 

Đài phát thanh Veritas ban Hoa ngữ cũng phỏng vấn ông Cổ Vĩ Doanh, giáo sư môn sử của trường đại học Đài Loan và ông Hứa Diệu Văn, giáo sự môn truyền thông của trường đại học Phụ Nhân Đài Loan :


Giáo sư Cổ Vĩ Doanh nói : Đức Giáo Hoàng đưa ra cái nhìn từ nhiều góc độ khác nhau : lịch sử Giáo Hội, văn kiện Vatican II, Thánh Kinh và suy tư cá nhân. Trong đó, Ngài thể hiển rất rõ lập trường của Giáo Hội, vạch rõ chức vị, quyền giảng huấn của các giám mục tại Trung Quốc trong qui chế hàng giáo phẩm của Hội Thánh, để giúp cho việc quản trị Giáo Hội cách dễ dàng hơn, đồng thời phân chia rõ ranh giới với chính trị.


Giáo sư Hứa Diệu Văn thì cho rằng thư này là lời kêu mời đầy tình thương của Đức Giáo Hoàng đối với các giám mục, linh mục, giáo dân tại Đại Lục, mong họ trở về với đại gia đình Công Giáo. Đức Giáo Hoàng cổ vũ mọi người phải yêu thương nhau, để thể hiện tính đặc thù của Kitô hữu, cho dù hoàn cảnh trước mắt vẫn bị hạn chế.


3. Phản ứng của giáo dân.


Thư của đức Giáo Hoàng gởi cho Giáo Hội tại Trung Quốc đã gây chú ý khấp nơi, đặc biệt là người Hoa hai bên eo biển, đài phát thanh Veritas ban Hoa ngữ đã đặc biệt phỏng vấn giáo dân họ Trương của Đài Loan và giáo dân Tiểu Nhan của Đông Bắc Trung Quốc.


Ông Trương Đài Loan nói, Đức Giáo Hoàng từ góc độ niềm tin thì thư này xây dựng mối quan hệ hợp tác với Đại Lục Trung Quốc, không giống như người ta đồn rằng quan hệ Trung Quốc-Vatican sẽ đánh đòn mạnh vào Đài Loan. Ngoài ra, ông còn cảm thấy, bề ngoài, giáo dân tại Trung Quốc không được tự do, nội tâm lại là tự do. Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo tại khu đất Đài Loan tự do, bề ngoài là tự do, nội tâm lại không tự do.


Chị Tiểu Nhan của Đông Bắc Đại Lục thì nói, Đức Giáo Hoàng hiểu biết con cái Giáo Hội tại Trung Quốc với tâm tình Cha hiền, là một cổ vũ và an ủi rất lớn đối với họ. Giáo Hội hầm trú và công khai của Đại Lục và vấn đề bổ nhiệm giám mục, hy vọng nhờ vào sức mạnh của cầu nguyện thúc đẩy giáo Hội sớm được hợp nhất.

Một số tình hình diễn biến

 

1. Tại Bắc Kinh.

 

Theo tờ Chinesenewsnet, Giáo hội tại Bắc Kinh chưa đề cập đế lá thư của Đức Giáo Hoàng gởi Giáo Hội tại Trung Quốc. Rất nhiều giáo dân đều nói chưa thấy thư của Đức Giáo Hoàng. Họ mong muốn lá thư được tuyên đọc công khai tại nhà thờ. Họ cũng mong Trung Quốc và Toà Thánh sớm lập quan hệ ngoại giao và được Đức Giáo Hoàng viếng thăm Trung Quốc.


2. Tại Thượng Hải.


Trong Thánh lễ sáng ngày 1-7, Đức Cha phụ tá Giáo Phận Thượng Hải Hình Văn Chi đề cập một phần nội dung lá thư của Đức Giáo Hoàng, nhưng có cán bộ của nhà nước hiện diện trong Thánh lễ.

 

Trong cuộc phỏng vấn, một giáo dân Thượng Hải nói, chính quyền không nên can thiệp vào quyền hành của Giáo Hội. Giáo dân này nói : “Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm tất cả các giám mục trên toàn thế giới, nếu chính quyền Trung Quốc cho rằng bổ nhiệm giám mục của Đức Giáo Hoàng tại Trung Quốc là can thiệp chủ quyền của Trung Quốc, thì có phải Đức Giáo Hoàng đã can thiệp vào toàn thế giới ?” Người này cho rằng hiểu biết của chính phủ Trung Quốc quá hẹp hòi.


3. Đức Hồng Y Trần Nhật Quân.ở Hồng Kông

 

Ngày 1-7, khi được báo Trung Hoa phỏng vấn về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân nói : “Hồng Kông không có tham dự vào việc này, đây là chuyện ngoại giao của Trung Quốc và Toà Thánh. Khi được hỏi có phải Toà Thánh muốn thoả hiệp với Trung Quốc, Đức Hồng Y không trả lời trực tiếp, nhưng nói rằng giáo dân phải biết lắng nghe. Ngài nói, lá thư giải thích cặn kẽ cho giáo dân tại Trung Quốc những việc không rõ ràng trong mấy năm qua, và có chỉ dẫn rất cụ thể.

 

LM Huỳnh Trụ

 

Mục lục

 

ĐỨC THÁNH CHA TUYÊN BỐ NĂM THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

 

ROMA. Chiều 28-6-2007, tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự buổi hát kinh chiều I trọng thể lễ kính thánh Phêrô và Phaolô, và ngài tuyên bố ”Năm Thánh Phaolô Tông Đồ' từ tháng 6 năm 2008.

Hiện diện tại buổi hát kinh, có đông đảo các HY, GM, LM và các tín hữu ngồi chật Thánh đường, cũng như đoàn Đại biểu của Tòa Thượng Phụ Constantinople, là Giáo Chủ danh dự chung của toàn Chính Thống giáo, do Đức TGM Emmanuel, thủ lãnh cộng đoàn Chính Thống tại Pháp, hướng dẫn.

Trong bài giảng, sau khi nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa Thánh Phêrô và Phaolô, và vai trò của các vị trong việc khai sinh Giáo Hội tại Roma, ĐTC đặc biệt đề cao tấm gương của Thánh Phaolô tông đồ luôn sẵn sàng hy sinh cho chính nghĩa Tin Mừng. Ngài nói:

”Sự thành công trong việc tông đồ của Thánh Phaolô tùy thuộc trước tiên nơi sự dấn thân với trọn con người của Thánh Nhân vào việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô, với tất cả lòng tận tụy, không chút sợ hãi những nguy hiểm, khó khăn và bách hại.. Cũng thế, hoạt động của Giáo Hội chỉ đáng tin cậy và hữu hiệu theo mức độ những người tham gia hoạt động của Hội Thánh có sẵn sàng đích thân trả giá cho lòng trung thành với Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh hay không. Nơi nào thiếu sự sẵn sàng như thế, thì sẽ thiếu lý chứng quyết định của chân lý mà Giáo Hội tùy thuộc.. Anh chị em thân mến, ngày nay, Chúa Kitô cũng đang cần những vị tông đồ sẵn sàng hy sinh bản thân, Chúa đang cần những chứng nhân và tử đạo như thánh Phaolô”.

Và ĐTC long trọng nói: ”Vì những lý do đó, tôi vui mừng chính thức loan báo rằng một năm kỷ niệm đặc biệt được dành cho thánh Phaolô Tông Đồ từ ngày 28-6 năm tới, 2008, cho đến ngày 29-6 năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 2 ngàn năm sinh nhật của Thánh Nhân, mà các sử gia xác định từ khoảng năm thứ 7 đến năm thứ 10 sau Chúa Kitô. Năm Thánh Phaolô này có thể tiến hành một cách đặc biệt tại Roma, nơi mà từ 20 thế kỷ nay có giữ quan tài của thánh nhân dưới bàn thờ chính của Đền thờ này, trong đó theo các chuyên gia và truyền thống đồng thuận, có giữ di cốt của thánh Phaolô Tông Đồ”.

Các tín hữu hiện diện đã nhiệt liệt vỗ tay sau lời tuyên bố của ĐTC. Ngài cho biết: ”một loạt các biến cố về phụng vụ, văn hóa và đại kết, cũng như các sáng kiến về mục vụ và xá hội, sẽ được tổ chức, theo linh đạo của thánh Phaolô. Ngoài ra, các cuộc hành hương từ các nơi đến mộ thánh Phaolô Tông Đồ cũng sẽ được tổ chức, với mục đích canh tân và hỗ trợ tinh thần. Thêm vào đó, sẽ có các hội nghị và các khóa hội học, các ấn phẩm về các tác phẩm thánh Phaolô để phổ biến sự phong phú vô biên trong giáo huấn của Thánh Nhân, vốn là một gia sản đích thực của nhân loại được Chúa Kitô cứu chuộc.”

ĐTC cũng cổ võ thực hiện các sáng kiến tương tự tại các nơi trên thế giới, trong các giáo phận, các Đền thánh, và các nơi thờ phượng của các dòng tu, các trung tâm nghiên cứu hoặc từ thiện, mang tên thánh Phaolô.

Sau cùng, ĐTC nói đến các buổi cử hành đại kết, vì thánh Phaolô, Tông đồ dân ngoại, đặc biệt dấn thân mang Tin Mừng cho mọi dân tộc, hoàn toàn xả thân cho sự hiệp nhất và hòa hợp giữa mọi Kitô hữu”. (SD 28-6-2007)

G. Trần Đức Anh OP

Mục lục

 

Thánh Giá Đại Hội Giới Trẻ Đã Đến Úc Châu

 

Thánh Giá cùng với Ngọn đuốc Olympic Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới và bức tranh Mẹ Maria biểu tượng hiệp thông Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới du hành vòng quanh thế giới bằng máy bay đã đến thành phố Sydney, Úc Châu, Chúa Nhật ngày 01 July 2007, nơi sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008, sau khi đã ghé qua Tân Tây Lan và nhóm bạn trẻ Tân Tây Lan đã tháp tùng Thánh Giá sang bàn cho các bạn trẻ Úc Đại Lợi.


Thánh Giá được đón tiếp và cung nghinh ngay trong Hangar phi cơ của hãng hàng không QANTAS.

 

Sydney cung nghinh Thánh Giá


Đức Giám Mục Antony Fisher Ban Tổ Chức ĐHGTTT của Úc ra tiếp đón Thánh Giá, Đuốc Thiêng và bức tranh Mẹ Maria. Ngài đã cầu nguyện và ban phép lành trước khi Đuốc sáng cùng với Thánh Giá được cung nghinh, rước đi vòng quanh các giáo phận của Úc Châu, từ nay cho đến ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008. Trong năm nay Thánh Giá đã du hành qua 400 cộng đồng trên Thế Giới.

Theo lịch trình thì Tổng Giáo Phận Adelaide, Nam Úc sẽ được vinh dự đón tiếp Thánh Giá đến giáo phận Port Pirie là GP đầu tiên thuộc TGP Adelaide ngày 11 đến 19 tháng Mười, sau đó Thánh Giá sẽ được cung nghinh về TGP Adelaide thủ phủ của tiểu bang Nam Úc ngày 07 đến 11 tháng Mười Một năm 2007.

Thánh Giá cao 3.8m này đã được ĐGH Gioan Phaolô II trao tặng cho giới trẻ vào dịp Năm Thánh 1983 và đã được dựng thường xuyên gần bàn thờ trong đền thánh Phêrô.

Sau khi Thánh Giá hoàn tất cuộc hành trình qua các giáo phận trong nước Úc, sẽ được cung nghinh trở về Sydney để chuẩn bị cho ngày Khai Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vào ngày 15 tháng Bảy năm 2008.

Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI sẽ sang Úc chủ toạ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 sắp tới. Đây là lần tiên Ngài đến kinh lý Úc Châu.


Theo ước tính của Ban Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới thì có khoảng 500,000 người đến Úc tham dự.

Ban Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới / Úc Châu đã thương lượng với hãng máy bay QANTAS Airlines của Úc, giảm giá và cung cấp đầy đủ phương tiện vận chuyển, cho các khách hành hương đến Úc tham dự ĐHGTTG năm 2008.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ được diễn tiến trong vòng 5 ngày, kể từ ngày 15 đến 20 tháng 7 năm 2008 tại Sydney thành phố lớn nhất của Úc Châu, thủ phủ tiểu bang New South Wales.

 

Jos. Vĩnh

 

Mục lục

 

Sắp ban hành Tự Sắc của ÐTC Bênêđitô XVI cho phép tự do cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latinh, theo nghi thức cũ trước Công Ðồng Vaticanô II.

 

Tin Vatican ( Apic 28/06/2007) - Linh Mục Federico Lombardi, dòng tên, giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, đã xác nhận là hôm chiều ngày thứ Tư, ngày 27 tháng 6 năm 2007, đã có cuộc họp tại Vatican của những đại diện của vài Hội Ðồng Giám Mục, để được biết về Tự Sắc của Ðức Bênêđitô XVI sắp được công bố, nhắm cho phép cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latinh, theo nghi thức cũ, trước thời công đồng Vaticanô II; Thánh Lễ nầy được gọi là thánh lễ theo nghi thức của Thánh Giáo Hoàng Piô V. Và nghi thức nầy đã được "canh tân" và công bố trong Sách Lễ được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố năm 1962.

Thông cáo chính thức của Phòng Báo Chí Toà Thánh đã dùng cụm từ nói về Tự Sắc này như là "Tự Sắc của Ðức Thánh Cha về việc xử dụng Sách Lễ do Ðức Gioan XXIII công bố vào năm 1962." Tuy chúng ta chưa biết rõ nội dung của Tự Sắc như thế nào, nhưng "cụm từ" được xử dụng trong thông cáo của Toà Thánh, có thể gợi ý phần nào. Chắc chắn việc cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latinh theo nghi thức cũ, trước công đồng Vaticanô II, sẽ dùng đến một tiêu chuẩn đã có, là Sách Lễ do Ðức Gioan XXIII công bố năm 1962.

Cuộc họp --- cũng theo thông cáo báo chí của Toà Thánh --- do Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Toà Thánh, chủ sự. Và Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI "đã đến chào các tham dự viên và nói chuyện trao đổi chuyên lâu với các vị khoảng một tiếng đồng hồ". Việc công bố Tự Sắc sẽ đến trong vài ngày nữa và có kèm theo bức thư dài giải thích của ÐTC cho các giám mục.

Thông cáo báo chí của Toà Thánh bằng tiếng Ý có đăng trong trang điện tử chính thức của Toà Thánh Vatican (vatican.va), không nói rõ danh sách các tham dự viên cuộc họp hôm chiều ngày 27 tháng 6 năm 2007, nhưng hãng tin Apic số phát hành ngày 28 tháng 6 năm 2007, cho biết có tất cả là 15 tham dự viên, trong số này có những vị hồng y có ít nhiều liên hệ đến việc dùng nghi thức Thánh Lễ tiền công đồng Vaticanô II, như: Ðức Hồng Y Philippe Barbarin, giáo chủ Giáo Hội công giáo Pháp, Ðức Hồng Y Jean Pierre Ricard, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Pháp, và ba Vị Hồng Y thuộc Giáo Triều Roma, là Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh toà thánh, Ðức Hồng Y Dario Castrillon Hoyos, chủ tịch Ủy Ban "Ecclesia Dei" (Giáo Hội Chúa), và Ðức Hồng Y Francis Arinze, Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Nhật báo "La Croix" xuất bản bên Pháp cho biết thêm là có Ðức Tổng Giám Mục André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, trong số các vị Tổng Giám Mục, tham dự cuộc họp này.

Linh Mục Federico Lombardi còn cho biết thêm chi tiết là Tự Sắc sẽ được gởi đến tất cả các giám mục, rồi mới được công bố, và rằng sẽ không có cuộc họp báo như thường lệ tại Vatican để giới thiệu tự sắc này. Tự sắc và thư kèm theo của ÐTC sẽ được công bố trên nhật báo "Quan Sát Viên Roma" của Toà Thánh.

Hãng tin Apic cho biết thêm rằng Bản Văn nguyên thuỷ bằng tiếng Latinh của Tự Sắc còn cần sửa lại một vài điểm nhỏ nữa, và rằng bức thư của ÐTC đi kèm với Tự sắc, dài khoảng 3 trang, trong đó ÐTC giải thích những lý do sâu xa cho quyết định công bố Tự Sắc này.

Nhật báo "Thế Giới" (Die Welt) xuất bản bên Ðức thì quả quyết rõ ràng là ngày 7 tháng 7 năm 2007 sẽ là ngày công bố Tự Sắc.

 

Ðặng Thế Dũng

Mục lục

 

ĐỨC THÁNH CHA TRAO DÂY PALLIUM CHO 46 VỊ TỔNG GIÁM MỤC

 

VATICAN. Sáng ngày 29-6-2007, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô và trao dây Pallium cho 46 vị Tổng Giám Mục chính tòa.

Dây Pallium là dây làm bằng lông chiên màu trắng, thông thường có 6 hình Thánh Giá màu đen, khi được đeo vào cổ, có một phần dài ở phía trước ngực và một phần dài ở sau lưng. Đây là biểu hiệu quyền bính và trách nhiệm của các TGM đứng đầu mỗi giáo tỉnh, đồng thời cũng nói lên sự hiệp thông với Tòa Thánh Phêrô.

46 vị TGM được bổ nhiệm trong năm qua, và đến từ 25 nước năm châu, trong đó từ Á châu có 5 vị người Ấn độ và 1 vị người Phi luật tân. Canada, Brazil, Mêhicô, mỗi nước cũng có 5 vị TGM nhận dây Pallium trong dịp này. Từ Hoa Kỳ có 1 vị duy nhất là Đức Cha Joseph Edward Kurtz, TGM giáo phận Louisvill. Ngoài ra, vì những lý do đặc biệt có 5 vị TGM vắng mặt sẽ nhận dây này tại nhà thờ chính tòa ở địa phương của các vị.

Hiện diện trong thánh lễ, tại một chỗ danh dự, có phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, do Đức TGM Emmanuel đặc trách Cộng đoàn Chính Thống Hy Lạp tại Pháp, hướng dẫn. Cùng với Đức TGM Gennadios, ngài đại diện Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ danh dự chung của toàn Chính Thống giáo. Ngoài ra, có gần 40 Hồng Y và 50 GM, hằng trăm linh mục và 10 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.

Trong bài giảng, ĐTC quảng diễn ý nghĩa lời tuyên xưng của Thánh Phêrô: ”Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, và ngài mời gọi các tín hữu đào sâu sự hiểu biết về đặc tính của Đức Giêsu thành Nazareth. ĐTC nói: ”Ngày nay cũng có nhiều người đến gần Chúa Giêsu nhưng họ đến từ bên ngoài. Các học giả lớn nhìn nhận tầm vóc tinh thần và luân lý cũng như ảnh hưởng của Chúa Giêsu trên lịch sử nhân loại, so sánh Người với Đức Phật, Khổng Tử, Socrate và các hiền triết các vĩ nhân trong lịch sử, nhưng họ không đạt tới sự nhìn nhận Chúa trong đặc tính duy nhất của Người”.

ĐTC cũng nhận định rằng trách vụ được Chúa ủy thác cho thánh Phêrô bắt nguồn từ nơi quan hệ bản thân của Chúa với người ngư phủ Simon, ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên, khi Chúa nói: ”Con là Simon, từ nay con được gọi là Cefa, nghĩa là Phêrô” (Gv 1,42).

Sau cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu, không phải chỉ tuyên xưng niềm tin nơi Chúa, nhưng còn phải tái học nơi Chúa cách thức Ngài trở thành Đấng Cứu Thế và là con đường chúng ta phải noi theo, chấp nhận theo Chúa, cả trên con đường Thập Giá.

Sau bài giảng của ĐTC, ĐHY Castrillón Hoyos, người Colombia, Trưởng đẳng HY Phó tế, đã giới thiệu lên ĐTC 46 vị tân TGM xin nhận dây Pallium. Ngài cũng nhắc đến danh tánh 5 vị TGM đã xin dây Pallium nhưng không thể đến Roma hôm nay được.

Tiếp đến các tân TGM xưng dánh tánh và cùng đọc lời tuyên thệ hứa luôn luôn trung thành và vâng phục Thánh tông đồ Phêrô, Giáo Hội tông truyền Roma, ĐGH và các người kế vị hợp pháp của ngài. Rồi từng vị TGM tiến lên qùy trước mặt ĐTC để ngài đeo dây Pallium cho.

Sau thánh lễ, lúc quá giữa trưa, ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với hàng chục ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô. Trong dịp này, ngài loan báo là đã nhận lời đến viếng thăm tổng giáo phận Napoli, của ĐHY Crescenzio Sepe, vào ngày chúa nhật 21-10 tới đây. ĐHY Sepe nguyên là Tổng trưởng Bộ truyền giáo và đã viếng thăm Việt Nam hồi đầu tháng 12 năm 2005. (SD 29-6-2007)

 

Vatican Radio

Mục lục

 

Lễ truyền chức cho 18 tân Linh Mục tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn

 

SAIGÒN-- Sáng nay, ngày 29.06.2007 Lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, tại nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn, Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Gòn đã chủ sự lễ phong chức cho các tân linh mục. Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt và hơn 200 linh mục đã cùng đồng tế trong thánh lễ truyền chức linh mục cho 18 thầy phó tế thuộc khóa 7 Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Nói trong thánh lễ, Đức Hồng Y Mẫn cho biết: Trong 10 năm qua, tôi đã phong chức cho 98 linh mục, nhưng số linh mục nghỉ hưu hoặc qua đời là 99! Hôm nay, tôi phong chức thêm 18 linh mục như vậy trong 10 năm chỉ mới thêm ra có 17 linh mục! trong khi tổng kết các giáo xứ gửi đơn lên để xin cha phó là 30 người, như vậy vẫn còn thiếu quá nhiều các linh mục để phân bổ đến các giáo xứ, vậy chúng ta trong thánh lễ nầy hãy cùng nhau xin Chúa nhận lời cầu xin của chúng ta để Chúa ban thêm cho chúng ta nhiều các linh mục như lòng Chúa mong ước, các linh mục nhân đức, thánh thiện, khôn ngoan.

Trong 250 linh mục đang coi sóc giáo xứ, năm qua tôi cho đi khám sức khỏe thì có đến 150 linh mục mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp. Nói điều nầy, để anh chị em hiểu rằng nhu cầu linh mục hiện nay là cần thiết… qua việc trao tác vụ linh mục hôm nay xin Chúa thánh hiến các tiến chức và ban cho họ ơn thánh hiến, vậy chúng ta hãy dành ít phút để suy niệm về ơn thánh hiến nầy, ơn thánh hiến là trao cho các tiến chức khả năng, được trở nên đồng hình, đồng dạng với Đức Kitô. Trở nên giống Chúa Kitô trong cộng đòan mà mình phục vụ, yêu thương từng gia đình mà mình phục vụ, trở nên giống Chúa Kitô là mỗi ngày nên thánh thiện, hiền lành, khiêm tốn hơn.

Trong phần nhắc nhở các tân chức, Đức Hồng Y Mẫn nói tiếp: Khi cử hành các Bí Tích, linh mục nên cử hành bằng tình yêu thương, chứ không nên làm bằng thói lệ, thói quen hằng ngày. Khi giao tiếp với mọi người, linh mục không chỉ nên theo luật lệ mà phải bày tỏ lòng nhân hậu và bao dung, khi sinh họat với các đoàn thể, với cộng đòan giáo xứ… linh mục phải mặc lấy phong cách hiền lành, khiêm tốn, phục vụ…như Đức Kitô đặc biệt là những người nghèo khổ, bất hạnh… đó không những là nhiệm vụ của người linh mục mà còn là nhu cầu, nhu cầu nên giống Chúa Kitô, từ bỏ mình, không sống theo ý riêng mà theo ý cha trên trời trong mọi hòan cảnh, từ bỏ mình là hy sinh không sống theo lòng tham sân si của con người thế gian, để mỗi ngày trở nên giống Chúa Kitô hơn….

Các tiến chức được phong linh mục sáng nay gồm 18 thầy:

1.      G.Baotixita Trần Văn Trí
2. Giuse Lê Hoàng Minh
3.Giuse Nguyễn Trí Dũng
4. Gioan Nguyễn Vĩnh Lộc
5. Phaolô Nguyễn Quốc Duy
6. Đaminh Nguyễn Văn Ngọc
7.Giuse Hoàng Minh Liệu
8. Giuse Vũ Minh Thùy
9. Giuse Ngô Viết Thanh
10. Giuse Vũ Văn Quyên
11. Giuse Nguyễn Văn Long
12. Giuse Trần Trung Hiếu
13. Lôrenxô Hoàng Bá Quốc Huy
14. G.Baotixita Nguyễn Hữu Hiệp
15. Giuse Lê Ngọc Đa
16.G.Baotixita Phạm Văn Long
17. Vinhsơn Phạm Văn Lâm
18. Giuse Phạm Văn Trọng

Lê Kim

Mục lục

50 NĂM GIÁO PHẬN NHA TRANG

 

Tạ Ơn - Sám Hối - Phát Triển.

 

Sau buổi tĩnh tâm quý tại Toà Giám Mục, phái đoàn Phan thiết gồm Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức Ông Tổng Đại Diện J.B Lê Xuân Hoa, các linh mục hạt trưởng và 40 linh mục lên đường đi Nha trang dự lễ tạ ơn 50 năm thành lập Giáo phận Nha trang.

 

Hai Đức Giám Mục Nha Trang niềm nở đón tiếp các phái đoàn tại nhà khách Toà Giám mục.

 

Đức Ông JB Lê xuân Hoa, đại diện Giáo phận Phan thiết bày tỏ niềm vui cùng Giáo phận Nha trang trong dịp đại lễ, dâng lẳng hoa tươi với tâm tình tri ân Giáo phận Mẹ đã sinh ra Giáo phận Phan thiết.

 

Ban tổ chức tiếp đón ân cần các phái đoàn tại Đại chủng viện Sao biển.

 

Đêm diễn nguyện và Thánh lễ Tạ ơn đều xoay quanh chủ đề: Tạ Ơn, Sám Hối, Phát Triển.

 

I . DIỄN NGUYỆN

 

Đúng 7g30 tối ngày 4.5, chương trình diễn nguyện mừng Kim Khánh Giáo phận tại Đại chủng viện Sao biển với chủ đề : Giáo phận Nha trang với hành trình đức tin.

 

Tham dự đêm diễn nguyện có 10 Giám mục, 3 Đức Ông, đông đảo các linh mục, tu sĩ nam nữ và hàng ngàn khán giả ngồi chật hết khuôn viện rộng lớn của Đại chủng viện.

 

Đêm diễn nguyện tổ chức thật hoành tráng, bài bản theo ba nội dung chính là :tri ân, sám hối và phát triển.

 

A. Khai mạc:

-         Nghi thức khai mạc (Giáo xứ Bắc thành), chào mừng và giới thiệu quan khách.

-         Khai diễn: diễn múa và hợp xướng.

-         Đức Cha Phó Giuse Võ đức Minh, trưởng ban tổ chức, đọc diễn văn khai mạc.

-          Diễn hành: các Giáo Hạt, các Hội Dòng và các Ban mục vụ.

-          Hát múa: Tạ ơn Thiên Chúa (Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ)

B. Nội Dung:

      1. Tri ân: Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ và Mến Thánh Giá Nha trang.

                   a. Diễn hoạ hình ảnh các vỉ chủ chăn.

-         Đức Cha Marcel Piquet Lợi ( +)

-         Đức Hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận (+)

-         Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà

-         Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho (+)

-         Đức Cha Giuse Võ Đức Minh.

                  b. Nghi thức tri ân Nén hương tưởng niệm và bó hoa tri ân.

                  c. Tâm tình tri ân: Dòng MTG Nha trang.

       2. Sám hối: Giáo xứ Bắc Thành, hoạt diễn với nội dung:

-         Ánh sáng Tin mừng soi chiếu nhân sinh

-         Khát vọng vượt sóng gió, đón nhận Tin mừng.

    Hát múa: Nhìn lại quá khứ để tiến bước trong tin yêu( Dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ và Dòng Đức Bà Truyền giáo)

      3. Phát triển: Đại chủng viện Sao biển, Dòng Ngôi Lời và dòng MTG Quy nhơn.

-         Những bông hoa Tin mừng

-         Yêu thương và phục vụ

-         Hiệp nhất nên một.

 

 

C . Bế mạc:

-         Huấn từ của Đức Cha Chính Phaolô Nguyễn Văn Hoà

-         Cám ơn của Ban tổ chức: Lm Giám đốc ĐCV Sao biển.

-         Hát múa: Tạ ơn với Mẹ.( Giáo xứ Bắc Thành)

 

Đêm diễn nguyện kết thúc lúc 10 giờ, Các Giám Mục lên sân khấu cùng các ca đoàn, các đội múa và tất cả mọi người cùng hát vang bài ca: Chúng ta cùng đem Tin Mừng đi khắp đó đây. Loan tin, loan tin Chúa Trời yêu thương loài người.

 

II. THÁNH LỄ

 

Từ sáng tinh mơ, sân lễ đài chật cứng người dự lễ. Hàng rào danh dự dài hơn 500 m đón chào đoàn đồng tế.

Thánh lễ Tạ ơn bắt đầu lúc 5g30, tại công trường Ave Maria nhà thờ Chính Toà. Trong phẩm phục màu vàng, đoàn đồng tế nối dài từ Phòng thánh Nhà thờ Chính toà đến tận cổng lên Nhà thờ.

Sáng sớm, khí trời trong mát, gió biển lay nhẹ, sóng biển rì rào, cả cộng đoàn Dân Chúa sốt mến hát vang khúc ca Tạ ơn “ Năm Mươi Năm Giáo Phận” (Tác giả Mi Trầm).

            ĐK:   Năm mươi năm giáo phận, lòng hân hoan chúng con tạ ơn, vì biết bao ơn lành Chúa đã ban cho giáo phận. Xin dâng tiếng tạ ơn, tạ ơn Thiên Chúa. Xin dâng tiếng tạ ơn, tạ ơn mãi hoài.

-         Con đường giáo phận trải dài năm tháng. Quy nhơn thân yêu, Sài gòn sinh ra ta. Nha trang sinh ra người con Phan thiết, dân Chúa kết lời tạ ơn muôn đời.

-         Chúng con cảm tạ chủ chăn đã khuất: Đức Macxenlô, Đức Thầy Phêrô. Đức Phanxicô người cha yêu dấu. Xin Chúa thương ban niềm vui thiên đàng.

-         Chúng con cảm tạ chủ chăn đang sống: Đức Cha Phaolô, Đức Thầy Giuse. Luôn luôn hy sinh vì danh Thiên Chúa, dẫn dắt giáo phận đẹp tươi muôn phần.

 

Đồng tế thánh lễ, có 12 Giám Mục:

-         Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Giám mục Giáo phận Nha trang, Giám Quản Tông Toà Giáo Phận Ban Mê Thuộc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam, chủ tế và giảng lễ.

-         Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám Mục Phó Nha trang, đặc trách Uỷ ban Thánh kinh.

-         Đức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế.

-         Đức Cha Lê Văn Hồng, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Huế.

-         Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Mỹ Tho, Chủ Tịch Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin.

-         Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Phan Thiết, Chủ Tịch Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội.

-         Đức Cha Phêrô Trần Thành Chung, nguyên Giám mục Kontum.

-         Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Kontum

-         Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám Mục Đà Nẵng, Đặc Trách Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình.

-         Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Hưng hoá, Chủ Tịch Uỷ Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh.

-         Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám Mục Thanh Hoá, Giám Quản Tông Toà Phát Diệm, Chủ Tịch Uỷ Ban Giáo Dân.

-         Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám Mục Phụ Tá Bùi chu, Đặc Trách Mục Vụ Truyền Thông Xã Hội.

-         Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám Mục Hải phòng, Đặc Trách Mục Vụ Giới Trẻ.

 Có 3 Đức Ông và 5 Cha Tổng Đại Diện.

-         Đức Ông Giuse Maria Trần Thanh Phong, Nha trang.

-         Đức Ông Phêrô Nguyễn Quang Sách, Nha trang.

-         Đức Ông JB Lê Xuân Hoa, Phan thiết.

-         Cha JB Huỳnh Công Minh, Sài gòn.

-         Cha Phêrô Phùng Văn Tôn, Hưng Hoá

-         Cha Phaolô Lê Đức Huân, Đà lạt.

-         Cha FX Đặng Đình Canh, Đà nẵng.

-         Cha Vinh Sơn Đặng Văn Tú, Xuân lộc.

Và hơn 200 linh mục đến từ nhiều giáo phận của Giáo hội Việt nam.

Đông đảo các tu sĩ nam nữ và hàng ngàn giáo dân từ các phái đoàn đại diện giáo xứ trong và ngoài giáo phận đã chung lời tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban tặng biết bao hồng ân trong hành trình nửa thế kỷ qua.

 

Mở đầu Thánh lễ Tạ ơn, có lời giới thiệu và chào mừng quý Đức Cha, quý Cha và quan khách.

-         Công bố các tài liệu:

·        Sắc chỉ của ĐGH Piô XII : Crescit Laetissimo, Thành lập Giáo phận Nha trang ngày 5 tháng 7 năm 1957

·        Đôi dòng lịch sử giáo phận.

·        Sắc lệnh Toà thánh về Năm Thánh giáo phận.

·        Sứ điệp chúc mừng của ĐGH Bênêđictô XVI.

-         Thánh lễ Tạ ơn.

-         Cuối lễ, Đức Cha Phó Giuse dâng lời cám ơn, cha trưởng ban tổ chức Năm Thánh Giáo Phận bày tỏ lòng tri ân.

Thánh lễ kết thúc lúc 7giờ sáng. Mọi người về Toà Giám Mục dự tiệc liên hoan.

 

III. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ:

Ngày 11.11.1943, thừa sai Marcel Paul Raymond Piquet Lợi đựoc chọn làm Giám mục đại diện Tông toà Quy nhơn. Từ đó Đức Cha Piquet gắn bó với địa phận Quy Nhơn trên địa bàn các tỉnh Quãng nam, Quãng ngãi, Bình định, Phú yên, Khánh hoà và Ninh thuận.

  1. Ngày 5.7.1957, Địa phận Nha trang ra đời.

Khi Toà Thánh thành lập địa phận Nha trang từ phần đất của các tỉnh Khánh Hoà, Ninh thuận(thuộc Quy nhơn) và Bình thuận, Bình tuy(thuộc Sài gòn) thì Đức Cha Piquet Lợi thành Giám Mục đầu tiên Đại diện Tông toà tại Nha trang.

Ngài đã thành lập nhiều giáo xứ. Ngày 15.9.1958 khai giảng khoá đầu tiên Tiểu chủng viện Sao biển. Đây cũng là ngày chính thức toà Giám mục Nha trang di chuyển về cơ sở tại 22 Duy tân và là ngày quyết định lập Dòng Khiềt tâm Đức Mẹ tại Bình cang do chính Đức Cha Piquet sáng lập. Khi địa phận thành lập, trên địa bàn đã có ba Hội Dòng nhập cư từ thập niêm 30 của thế kỳ 29: Xitô Mỹ ca, Lasan và Phanxicô.

Trực tiếp chăm lo cho gần 80 ngàn tín hữu, khi nhận Giáo phận Nha trang(1957), Đức Cha Piquet đã có 90 linh mục, gồm 14 địa phương, 22 thừa sai nước ngoài và 54 di cư từ bắc sông gianh.

Ngày 24.11.1960: Nha trang vui chung niềm vui của Giáo hội Việt nam, ngày Đức Gioan XXIII thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, Đức Cha Piquet Lợi thành Giám mục Chính toà. Ngài càng chú trọng hơn vào vào hoạt động tông đồ và đời sống tâm linh.

Ngày 11.7.1966, vị thừa sai nửa thế kỷ ngược xuôi miền truyền giáo, vị Giám mục tiên khởi của giáo phận Nha trang chưa tròn 78 tuổi đời đã về với Chúa.

Cố Gauthier Báu, Tổng đại diện, nhiếp chính, điều hành giáo phận.

  1. Giáo phận thời Đức cha FX Nguyễn Văn Thuận.

Ngày 4.5.1967, Toà thánh bổ nhiệm vị linh mục 39 tuổi kế vị Đức Cố Giám Mục 78 tuổi. Đức Cha FX Nguyễn Văn Thuận về nhận giáo phận ngày 10.7.1967. Thời ngài, giáo phận vươn lên cường tráng. Tuổi đời trẻ, vóc dáng và giọng nói ngài còn trẻ hơn nữa. Tại các giáo xứ ngài thăm viếng mục vụ, đồng bào lương giáo đều tới gần ngài hết sức và trầm trồ: Đẹp và Trẻ. Bốn năm sau, ngài còn mỉm cười khoe với mấy linh mục thân cận: trong hàng Giám Mục Việt Nam, tôi chỉ như một đứa trẻ.

Vị giám mục Việt nam tiên khởi của Giáo phận Nha trang đã trải nghiệm từng bước đường đời linh mục: Phó xứ, Giáo sư, Giám đốc chủng viện , Tổng đại diện, nên rất quen thuộc đối nhân xử thế, ngay cả trong cương vị mới tại giáo phận mới. Ngài là một trong những vị đồng sáng lập viên của Đài phát thanh chân lý Á châu tại thành phố Quezon, Manila, Philippines.

Tăng phẩm chất và đào tạo nhân sự là điểm nổi đầu tiên. Tiểu chủng viện và Hội Dòng được khuyến khích nâng cao chương trình đào tạo, gởi người theo đại học và du học. Số chủng sinh đã gia tăng nhiều: số đại chủng sinh từ 42 lên 147, số tiểu chủng sinh từ 200 lên 500 trong 4 chủng viện: Sao biển, Chúa Chiên Lành, Tinh hoa và Lâm bích. Chính tại Toà giám mục Nha trang , lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam có những khoá tu nghiệp linh mục trẻ (miền Trung). Đây cũng là địa điểm chính của các khoá huấn luyện tông đồ giáo dân: Cursillos, Ban hành giáo, công lý và hoà bình, phong trào Focolare.

Những năm thuộc thập niêm 1970, ngài cho thành lập thêm một số giáo xứ vùng Cam ranh và Ninh thuận. Việc quản lý giáo xứ mau mắn đi vào quy hoạch.

 

Phân chia tách biệt.

Khi chuẩn bị đã tạm ổn, ngày 30.1.1975, Toà Thánh công bố tân giáo phận Phan thiết trên địa bàn các tỉnh Bình thuận, Bình tuy; còn trên địa bàn Khành hoà và Ninh thuận vẫn là địa phận Nha trang gồm 101.768 tín hữu kitô trong tổng số dân tám trăm ngàn.

Ngày 24.4.1975 Toà Thánh công bố Tổng Giám Mục Phó Sài gòn là Đức cha FX Nguyễn Văn Thuận. Ngày 7.5.1975, sau khi trao trọng trách và chia sẽ kinh nghiệm cho Đức cha Phaolô Nguyễn Văn hoà, Đức Cha FX lên đường đi Sài gòn.

  1. Giáo phận hơn 30 năm với Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà.

Ngài về giáo phận khi bầu trời còn mịt mù và mặt đất thường nứt nẻ vì chiến tranh. Nhưng từ từ trời sáng hơn, đẹp hơn. Toà giám mục được phép tổ chức các cuộc tĩnh tâm hàng năm cho linh mục, tu sĩ. Khi có thể, từng một vài ứng viên chức linh mục đựoc thánh hiến.

Cung cách sống và làm việc của ngài vẫn mang dáng dấp chân thành và dè dặt, nhẹ nhàng, đúng là trong tinh thần và chân lý như châm ngôn đời giám mục của ngài.

Từ năm 1985 giáo dân lại tuần tự được thấy vị giám mục chủ chăn về thăm giáo xứ và cử hành bí tích thêm sức, các linh mục và tu sĩ từ từ được hoán chuyển. Các thánh đường được hầu hết đại tu hoặc xây mới thật khang trang. Giáo phận hiện có hơn 70 giáo xứ và giáo họ biệt lập, một phần ba trong số này đựoc thiết lập thời Đức Cha Phaolô. Các Nhà Dòng phát triển về cơ sở, nhân sự và trình độ chuyên môn. Đại chủng viện Sao biển cho liên giáo phận Nha trang, Quy nhơn và Ban mê thuộc thật hoành tráng chính thức hoạt động từ năm 1991. Về mặt nhân sự có nhiều linh mục và nam nữ tu sĩ được gởi đi du học tại nước ngoài.

Số linh mục và tu sĩ gia tăng đáng kể. Theo thống kê năm 2006, giáo phận có:

-         Linh mục: 179 (Triều 116, Dòng 63)

-         Nam tu sĩ: 121. Nữ tu sĩ: 652

-         Đại chủng sinh: 35

-         Giáo xứ : 73

-         Giáo họ: 19

-         Gia đình Công giáo: 52.615

-         Giáo dân: 191.576

-         Giáo lý viên: 1.929

      Nhiều dòng tu được cũng cố và mở thêm cộng đoàn. Hoạt động mục vụ thêm đa dạng, đặc biệt là lãnh vực phục vụ trẻ em mồ côi, chậm phát triển, bệnh nhân phong, người già neo đơn.

      Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho được bổ nhiệm làm Giám mục phó vào năm 1997. Ngài quan tâm đặc biệt đến việc hội nhập văn hoá, công tác xã hội và đào tạo ơn gọi cũng như nhân sự. Chúa đã gọi ngài về năm 2003 với tuổi đời 66.

       Ngày 15.12.2005, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh được tấn phong tại Đà lạt. Ngài tựu chức ngày 1.1.2006 để bước sang năm mới với công việc miệt mài.

      Một trong những công việc chính yếu hôm nay của toàn thể giáo phận là tổ chức Năm Thánh, kỷ niệm 50 năm giáo phận Nha trang, trong tâm tình tri ân sám hối và quyết tâm phát triển.

 

     Trong tập kỷ yếu giáo phận Nha trang, Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Hoà đã viết những tâm tình như tổng kết hành trình 50 Giáo phận:  Trong luân thư kỷ niệm 300 năm Đức Giám mục đầu tiên đặt chân trên đất Nha Trang ( 1 tháng 9 năm 1671), Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận, nguyên giám mục kính yêu của Giáo phận Nha trang chúng ta đã viết: “Chúa quan phòng đã khấng chọn một chỗ khó nghèo trong Miền Nam: đất Nha trang, địa phận nhà chúng ta để đón tiếp Đức Giám Mục đầu tiên, nơi một giáo xứ khiêm tốn, thời ấy còn gần biển, đó là giáo xứ Chơ Mới”; rồi ngài đã điểm lại bước chân Tông đồ lên đất Nha trang, tình hình địa phận từ thế kỷ 17 cùng với những hoạt động tông đồ của mọi thành phần dân Chúa, vượt qua những thăng trầm của lịch sử; để sau cùng ngài cô động lại trong tâm tình đầy “Vui mừng và hy vọng” : “ Khi nhắc lại 300 năm lịch sử địa phận nhà, tôi chắc rằng lòng anh em cảm động, biết ơn hãnh diện và tin tưởng” (trích Luân thư ký ngày 1 tháng 9 năm 1971).

      Nay, trong Năm Thánh mừng 50 năm thành lập giáo phận Nha trang (1957-2007), chúng ta gần hai trăm ngàn tín hữu của Chúa Kitô, gồm Giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân, một lòng một ý với nhau, trong niềm cảm động biết ơn hãnh diện và tin tưởng, đồng tuyên xưng trong lời Kinh Năm Thánh:“từ dòng máu tử đạo, Cha đã làm cho dân Cha ngày càng phát triển; nhờ đó, các giáo phận được thiết lập. Cách đây 50 năm, giáo phận Nha trang chúng con đã ra đời”…

       Năm mươi năm là “Năm Thánh”, “Năm Hồng Ân”, theo truyền thống Thánh kinh.

       Năm mươi năm biết được cả mệnh trời theo truyền thuyết của hiền nhân (Ngũ thập tri thiên mệnh).

      Năm mươi năm quý giá như vàng trong kinh nghiệm của dân gian ( Lễ Vàng- Kim Khánh).

     Vì thế, dịp kỷ niệm Năm Mươi Năm chính là một mốc điểm quý báu để ghi lại những chặng đường lịch sử của giáo phận thân yêu trong tâm tình:

    “Tri ân”: đối với Thiên Chúa và các Bậc tiền nhân;

    “Sám hối” về những giới hạn , vụng về và lỗi phạm của mình để vươn tới tương lai làm cho giáo phận được “Phát triển” trong “Vui mừng và hy vọng”, “trong tinh thần và chân lý”, nhằm phát huy di sản cao quý của Tổ Tiên, trong tình hoà thuận và yêu thương của những người con trong đại gia đình giáo phận.

     Cầu chúc cho anh em được đầy tràn phúc lộc của Chúa cách riêng trong Năm Thánh. Ước mong anh chị em kiên trì và hợp nhất trong tinh thần phúc âm của Chúa Kitô “hiền lành và khiêm nhường”, hầu “trong mọi sự làm cho Thiên Chúa được hết lòng yêu mến”, khi nhiệt tâm dấn thân sống đạo hôm nay bằng nổ lực yêu thương và phục vụ mọi người, vì “Ngài đã yêu thương họ đến cùng”.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

(viết theo tập kỷ yếu 50 năm, Giáo phận Nha trang)

 

Mục lục

 

Tân Linh mục Giuse Vũ Văn Quyên dâng thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ Phú Bình (Sài Gòn)

 

Sáng ngày 2.7.2007 tại nhà thờ giáo xứ Phú Bình, tân Linh mục Giuse Vũ Văn Quyên đã về dâng thánh lễ tạ ơn. Cha là một người con của giáo xứ Phú Bình được Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trao tác vụ linh mục hôm 29.6 vừa qua tại nhà thờ Chính toà Sài Gòn. Trong thánh lễ tạ ơn hôm nay có sự hiện diện của Cha Hạt trưởng hạt Phú Thọ, cha chính xứ Phú Bình, các cha giáo và 8 tân linh mục cùng khoá VII Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn và khoảng 40 linh mục đồng tế. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang trọng, mọi người phấn khởi vui mừng cùng hợp ý với tân linh mục dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.

 

Chia sẻ trong bài giảng, cha giáo Phêrô Cao Văn Đạt đã dựa theo các bài đọc sách thánh và nhất là câu Lời Chúa mà tân linh mục đã chọn để khai triển :

Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”(Ga 14, 6). Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta đi theo Ngài, đi trên con đường mang tên Giêsu sẽ dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Cha trên trời. Xã hội ngày nay tồn tại rất nhiều điều giả dối, nhưng chúng ta là các tín hữu phải sống theo sự thật. Đồng thời, chúng ta phải quý trọng sự sống, tôn trọng phẩm giá con người. Chúng ta phải cầu nguyện với các linh mục, các ngài cũng là con người, luôn có những bất toàn và yếu đuối.

 

Cha giáo đã dùng những câu chuyện dí dỏm để dẫn dắt cho mọi người hiểu rằng : đi tu chủng viện là đi theo tiếng gọi của Chúa, chính Chúa yêu thương kêu gọi vào chức linh mục, chứ bản thân linh mục không có công trạng gì.

 

Trước khi ban phép lành đầu đời của tân linh mục, ông Chủ Tịch Hội Đồng giáo xứ Phú Bình, ông đại diện hội đồng hương Báo Đáp và ông đại diện dòng họ Vũ của đồng hương Báo Đáp tại miền Nam đã có những lời chúc mừng và trao tặng tân linh mục Giuse những món quả kỷ niệm.

 

Sau đó trong phần đáp từ, cha đã ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người, mọi thành phần dân Chúa đã nâng đỡ cho ngài trong suốt thời gian 6 năm tu học tại đại chủng viện. Nhất là đối với gia đình, ngài xúc động tri ân ông bà cố đã cả cuộc đời hy sinh cho con cái để hôm nay Chúa ban cho một niềm vui lớn lao là một người con của gia đình được trở thành tư tế, là linh mục của Chúa Kitô.

 

Martin Lê Hoàng Vũ

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

 

MÁI ẤM NHÂN ÁI

 

Tôi tìm đến thăm Mái Am Nhân Ai thuộc  Thôn Thống Nhất, Xã Cam Phước Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa.  Đây là cơ sở nuôi dạy trẻ em  mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật,  trẻ có hoàn cảnh  đáng thương tâm. Từ Thị trấn Ba Ngòi rẽ vào Phú Nhơn 7 km, Mái ấm nhân ái toạ lạc giữa cánh đồng lúa đang mùa chín vàng. Thấp thoáng những mái nhà ẩn khuất giữa ruộng đồng bát ngát. Khung cảnh quá đỗi bình yên của miền quê êm ả. Mái ấm cách Nhà thờ Đồng Lác chỉ chừng 200m, do các Nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang điều hành.

 

Nữ tu Nguyễn Thị Bảo Quyên, trưởng cộng đoàn cho biết: năm 1995, cơ sở nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn được thành lập. Khi các Nữ tu đến miền đất này giúp giáo xứ, nhận thấy nhiều trẻ em có hoàn cảnh đáng thương  cần được trợ giúp nuôi dạy. Các em mồ côi, bị bỏ rơi, tàn tật,  các em có hoàn cảnh khó khăn như cha mẹ ly hôn phải lang thang kiếm sống.  Tình thương của người mẹ hiền như động lực thúc đẩy các Nữ tu đi tìm và đem về. Quy tụ lại thành lớp để chăm sóc nuôi dạy. Làm sao cho các em được ăn học, được vui chơi ? Làm sao cho cuộc sống các em được ổn định, có chổ ăn, có chỗ nghĩ, có tương lai ? Những thao thức, những trăn trở đó đã đi vào tâm tư, quyện vào trong những lời nguyện cầu, hiệp dâng trong kinh hạt, trong thánh lễ hàng ngày, Chúa đã nâng đỡ và chúc lành cho Mái ấm hình thành theo ước nguyện.

 

Qua 12 năm hoạt động, Mái ấm đã giúp rất nhiều em trưởng thành để vào đời.  9 em có nghề nghiệp trở về giúp gia đình, 1 em đã là thợ kỷ thuật Cơ sở Sông Mây, 1 em đang học tại Trường Cao Đẳng TW II  Nha Trang, 2 em đang theo học tại Trường Cao Đẳng Sư Phạm Lớp Trung cấp Mầm non, Bình Thuận.  Hiện tại, Mái ấm có 60 em, trong đó có  2 em đang học cấp  III, 14 em học cấp  II  và 11 em học cấp  I. Mái ấm còn chăm sóc 3 cụ già neo đơn, 5 em thiểu năng tâm thần, 1 thiếu nữ người Dân tộc bị tâm thần và thêm 3 người mẹ lỡ lầm cùng 3 đứa con có mảnh đời bất hạnh.

 

Dì Quyên dẫn tôi đi thăm cơ sở của Mái ấm. Trong?khuôn viên với diện tích    6000 m2 có nhiều dãy nhà xây đơn sơ .  Có 3  phòng ngủ, 3 phòng học, 1 nhà may, 1 phòng nghĩ bệnh, 1 phòng sinh hoạt cho các em học vi tính học đàn, tủ sách.  Nhà bếp với phòng ăn thoáng rộng. Dãy nhà khung sắt mái tôn khá rộng làm cơ sở gia công mây tre lá, có nhiều thợ và công nhân đang chăm chỉ làm việc.

                    

Dì Quyên cũng “trình diện” nhân sự của mái ấm gồm có 8 Nữ Tu và 4 Chị thiện nguyện. Nữ tu Nguyễn Thị Bảo Quyên,  phụ trách chung. Nữ tu   Phan Thanh Tuyền,  phó điều hành. Nữ tu   Nguyễn Thị Thanh Hằng, kế toán. Nữ tu   Phạm Hồ Hoài  Hương, quản lý, Nữ tu   Lê Thị Ngọc  Mỹ, Cử nhân Xã Hội Học, phụ trách giáo dục. Nữ tu   Dương  Thị Tâm, Trung cấp Mầm Non, phụ trách giáo dục . Nữ tu   Nguyễn Thị Hoà Giang, điều dưỡng. Nữ tu   Phạm Thị  Định, cấp dưỡng. Cô Nguyễn Thị  Thuý, Đại Học Sư phạm,  phụ trách giáo dục. Bà Nguyễn Thị  Hạnh, bảo mẫu.  Bà Nguyển  Thị Thiết, bảo mẫu.  Bà Nguyễn Thị Thanh  Hương, đông y, chăm sóc sức khoẻ.

 

      Để có kinh phí hoạt động trong 12 năm qua, Dì Quyên cho biết cộng đoàn  cùng với các em lao động. Với 7 sào lúa 3 vụ cũng tạm đủ gạo cho cả nhà ăn 1 năm. Cơ Sở Sông Mây sản xuất những sản phẩm từ mây tre lá góp thêm thu nhập, mỗi tháng còn giúp 120 lao động trong địa phương đến làm việc và nhiều gia đình đem mây, dây chuối về nhà gia công kiếm thêm lợi tức. Các em thay nhau chăn nuôi bò cái sinh sản, tạo thêm nguồn lợi cho mái ấm.

       

Dì Hoài Hương, quản lý cũng cho biết thêm: tổng chi phí cho mọi sinh hoạt một năm khoảng 300 triệu đồng. Phần lớn nhờ công sức lao động tự làm ra của cả cộng đoàn,  cũng có thêm sự giúp đỡ của các ân nhân nên Mái ấm nhân ái hoạt động có hiệu quả. Nhiều nơi từ Buôn mê thuộc cũng tìm đến gởi thêm các trẻ em bất hạnh. Các người mẹ trẻ lầm lỡ cũng tìm đến đây để dưỡng thai rồi sinh  nở “mẹ tròn con vuông” trong tình thương của các Nữ tu. Hàng tháng, các Dì còn giúp lương thực cho 30 gia đình  người cùi thuộc làng Dân tộc Rắclây.

         

Mái ấm như một trường nội trú, các trẻ em được chăm sóc bằng cả tấm lòng nhân ái của các Nữ tu. Nơi đây, các em được ăn uống đầy đủ dưỡng chất . Các Y, Bác Sĩ  đến khám sức khoẻ định kỳ. Các em được đến trường phổ thông khi đến tuổi. Những em thiểu năng được các Nữ tu dạy kèm tại cơ sở. Các em được học giáo lý, học chữ, học đàn Organ, học cắm hoa… Sau các giờ học đều có giờ chơi, các em vui nhộn chơi cầu lông, nhảy dây, bắn bi, chạy nhảy nô đùa. Có những em học hết chương trình cấp III, được các Nữ tu giúp đỡ học tiếp lên đại học. Mùa hè các em từ 13 đến 16 tuổi được gởi đi học nghề, học thêm nghề đan lát, thêu, may. Từ đó, khi  đủ tuổi, khá tay nghề, các em có công ăn việc làm sẽ hoà nhập với cộng đồng và khởi đầu một cuộc sống mới trưởng thành tự lập.

 

Nghe Dì Quyên nói về công việc về kế hoạch sắp tới, tôi thấy sáng lên cả tấm lòng thao thức phục vụ. Nhờ sự giúp đỡ của Linh mục Phạm Thọ, Giáo phận Phan thiết, cộng đoàn đã lắp đặt nhà máy lọc nước tinh khiết Thiên Thảo, phục vụ cho mười mấy ngàn dân trong địa phương. Nước ở miền đất Phú Nhơn này nhiễm phèn quá nặng. Bà con mong muốn có được nguồn nước sạch từ nhiều năm qua. Nay có nhà máy lọc nước, bà con được dùng nước tinh khiết cho nhu cầu ăn uống hàng ngày, ai ai cũng vui mừng. Các Dì cũng sẽ đưa nước lọc tinh khiết đến các làng Dân tộc xa xôi để phục vụ góp phần vào việc bảo vệ sức khoẻ cho người dân.  Sẽ xây dựng thêm cơ sở để đón tiếp nhiều trẻ em mồ côi đang muốn gởi đến…

 

Giữa cuộc đời hôm nay, Tình Yêu Giêsu thể hiện nơi bóng dáng các Nữ tu đang gặp gỡ bao người đói rách nghèo hèn, đang chăm sóc các trẻ em bất hạnh. Đem yêu thương đến với các tâm hồn đau khổ, đem niềm tin và hy vọng đến những ai thất vọng chán chường, đem hạnh phúc an vui đến cho những ai bơ vơ lạc lõng. Như thế, Sống đạo là sống yêu thương phục vụ. Sống đạo là đi theo con đường Chúa Giêsu đã đi, sống như Chúa đã sống. Tu là cõi phúc đúng nghĩa nhất như Chúa Giêsu đã nói: Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình và vác thập giá hàng ngày mà theo Thầy. Khi kêu gọi các môn đệ Chúa không hứa một cõi phúc an nhàn cho bản thân. Theo tâm tình của Chúa Giêsu, sống đời tu là từ bỏ mình, vác thập giá là thái độ dấn thân trên mọi nẻo đường phục vụ. Sống đạo là sống theo Chúa Kitô, sống như Chúa đã sống, làm người và sống giữa mọi người để yêu thương mọi người, đồng bàn chia sẽ bành ăn với những người tội lỗi (x. Lc 15,1-2), chia sẽ gánh nặng của anh em (x.Mt 11, 28-30), chữa lãnh những thương đau, phục sinh thể xác và tâm hồn con người.

     

Chia tay Mái ấm nhân ái, tôi cầu nguyện xin Chúa cho Mái ấm có nhiều ân nhân quãng đại giúp đỡ để những công việc nhân ái của các Nữ tu góp thêm tình yêu Giêsu cho cuộc đời.

                                                             

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Mục lục

 

 

SỐNG ĐỨC TIN TỬ ĐẠO BẰNG SỰ TRÚT BỎ

Thánh Phêrô Đoàn Công Quý là vị thánh duy nhất của giáo phận chúng ta. Là người con ưu tú của giáo phận chịu tử đạo, Ngài cũng là người anh cả của chúng ta trong linh mục đoàn giáo phận. Kinh cầu cho giáo phận dịp 40 năm thành lập, nhắc tới thánh nhân: “Nhờ sự bảo trợ của Thánh Tâm, giáo phận chúng con được diễm phúc, đặt trên mảnh đất, mang dòng máu tử đạo của thánh Phêrô Đoàn Công Quý…”. Đặc biệt, ngày 31.7.2007 là ngày kỷ niệm lần thứ 148 thánh Phêrô Quý chịu tử đạo (31.7.1859 – 31.7.2007). Nhân dịp tĩnh tâm, chúng ta nhìn lại cuộc đời thánh nhân, như mẫu gương của một đức tin tử đạo, giúp chúng ta sống đức tin tử đạo hôm nay bằng sự can đảm trút bỏ mọi thứ cồng kềnh khiến ta đi xa tình yêu của Chúa. Từ đó, ta rút ra cho mình ý nghĩa của việc chấp nhận chịu tử đạo trong trách nhiệm của một linh mục coi xứ .

I. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ THÁNH PHÊRÔ ĐOÀN CÔNG QUÝ.

Phêrô Đoàn Công Quý sinh 1826, tại họ đạo Búng, tỉnh Thủ Dầu Một, là con út trong gia đình sáu người con. Cha là ông Antôn Đoàn Công Miên, mẹ là bà Annê Nguyễn Thị Tường. Từ khi có trí khôn, Phêrô Quý ao ước sống đời tận hiến. Nhưng cha mẹ cậu, vì thấy con mình thông minh, có thể có bề thế sau này, đã muốn giữ cậu ở lại nhà, nhắm cho cậu giữ nghiệp tông đường. Nhưng sau khi người anh của Quý đi tu không thành, cha mẹ đồng ý để cậu bước vào nhà tu.

Năm 1848, cậu được nhận vào Chủng viện thánh Giuse ở Thị Nghè (tiền thân của Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn) và được gởi sang Chủng viện Pinăng – Malaixia để học. Sau bảy năm tu học, năm 1855, thầy trở về quê hương. Đây cũng là thời gian vua Tự Đức cấm đạo dữ dội. Năm 1857, thầy lãnh chức phó tế. Tháng 9.1858, thầy Phó tế Phêrô Đoàn Công Quý được lãnh nhận thánh chức linh mục tại nhà thờ Thủ Dầu Một. Trong những năm làm linh mục, Cha Quý đã phục vụ nhiều nơi như Búng, Lái Thiêu, Gia Định, Biên Hòa, Cái Mơn, cuối cùng là họ Đầu Nước ở cù lao Giêng. Tại đây, ngày 7.1.1859, Cha Quý bị lính của quan Tổng đốc tỉnh An Giang vây bắt cùng với ông Trùm Emmanuel Lê Văn Phụng.

Cha Phêrô Quý bị tống giam 7 tháng tại ngục Châu Đốc. Sau nhiều ngày tra tấn, thấy không lay chuyển đức tin của Cha, Tổng đốc An Giang đệ đơn về triều đình Huế, xin xử tử Cha. Ngày 30.7.1859, án lệnh của triều đình do vua Tự Đức châu phê từ kinh đô đã về đến Châu Đốc, An Giang. Sáng hôm sau, để thi hành án tử, lính dẫn cha và ông trùm Phụng đến pháp trường Cây Mét, là một bãi đất trống. Tới nơi, Cha Quý và ông trùm Phụng cùng quỳ xuống cầu nguyện. Sau đó, Cha ban phép giải tội cho ông. Rồi Cha tự mình ăn năn tội cách trọn trước khi lãnh án tử hình. Sau ba tiếng thanh la vang rền, và một hồi trống giục, lý hình vung gươm chém đầu Cha Phêrô Quý. Sau bốn nhát gươm, đầu Cha lìa khỏi cổ. Ngay sau đó, người ta cũng chém đầu ông Trùm Phụng. Hôm đó là ngày 31.7.1859, năm mà Cha Phêrô Đoàn Công Quý vừa tròn 33 tuổi.

Sau 50 năm điều tra, Cha Phêrô Đoàn Công Quý được Đức Piô X phong lên bậc chân phước ngày 2.5.1909. Và sau 79 năm điều tra tiếp tục, ngày 19.6.1988 á thánh Phêrô Đoàn Công Quý được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong bậc hiển thánh (có cả ông Trùm Emmanuel Lê Văn Phụng và 115 vị tử đạo Việt Nam khác).

II. Ý THỨC ĐỨC TIN TỬ ĐẠO BẰNG CHẤP NHẬN TRÚT BỎ.

Chính sự tử đạo đã là một sự trút bỏ lớn lao. Như Chúa Kitô, như bao nhiêu anh hùng tử đạo trong Hội Thánh từ ngàn xưa, người Anh Cả của chúng ta, thánh Phêrô Đoàn Công Quý, một khi chấp nhận hiến dâng dòng máu của mình, là chấp nhận đi đến cùng ý nghĩa của sự trút bỏ. Không chỉ đơn thuần là trút bỏ tuổi trẻ, trút bỏ con đường sự nghiệp, trút bỏ tình cảm với mọi người thân thuộc, Thánh nhân đã trút bỏ mọi sự, trút bỏ hoàn toàn, trút bỏ ngay cả mạng sống như một người nghèo khó thực sự, nghèo đến không còn gì cho riêng mình, chỉ còn là của Chúa mà thôi. Trút bỏ để nên nghèo khó, thánh nhân đã là người giàu có không ai bằng, khi chiếm lĩnh được chính Chúa là gia nghiệp vĩnh cửu của mình.

Cũng vậy, học lấy và sống ý thức đức tin tử đạo hôm nay, từng người linh mục của Chúa cũng hãy tiên phong trong sự trút bỏ để trở người nghèo của Chúa, để dễ dàng hơn, nhẹ nhàng hơn, không vướng bận bất cứ một ngăn trở nào trong niềm tín thác đời mình cho Chúa, dám đặt cuộc đời và ơn gọi của mình hoàn toàn trong tay Chúa.

Thánh Phêrô Quý hay các Kitô hữu chịu tử đạo đã ngắm chính Chúa Kitô mà bước theo. Bởi chính Chúa là một bài học lớn về sự trút bỏ để nên nghèo khó. Chúa Giêsu đã trút bỏ hoàn toàn. Sự trút bỏ của Chúa là sự trút bỏ đúng nghĩa nhất (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Người đã không dành cho riêng mình một vinh dự nào: Là Thiên Chúa, nhưng đã trở nên người phàm, một sự trút bỏ không thể tưởng tượng. Thiên Chúa, lại có thể mang lấy thân phận phàm nhân, sống như chúng ta là người, không hề khác người. Đấng Thiên Chúa làm người ấy lại còn chấp nhận sống nghèo, nghèo đến mức không còn gì: Khi sinh ra, lại sinh nơi cầm thú trú ngụ, chỉ có rơm rạ làm chiếu, làm chăn. Đến khi hoàn tất cuộc đời, tưởng cả một đời, từ lúc bắt đầu sinh tới lúc trưởng thành, chối từ sự sang giàu, đến lúc chết sẽ chết ở một nơi tươm tất. Nào ngờ, ngay đến manh áo cuối cùng cũng không có, chết trần treo giữa trời giữa đất, chết chung với kẻ trộm cướp, cùng chịu một hình khổ ngang hàng với kẻ trộm cướp, chết nhục đến không thể nói hết... Chúa Giêsu đã trút bỏ hoàn toàn. Trút bỏ cả cuộc đời, trút bỏ cả mạng sống vẫn chưa làm đủ. Đến khi trao hơi thở sau cùng, lại còn tiếp tục trao dâng cả đến giọt máu cuối cùng. Trái Tim của Thiên Chúa làm người không đòi cho mình bất cứ điều gì, bây giờ lại thuộc về chúng ta tất cả. Chúa Kitô, Linh mục Thượng phẩm, đã trút bỏ để Tin Mừng Tình yêu lớn lên. Chúa chính là bài học cho các linh mục, những người muốn sống ý thức đức tin tử đạo bằng chấp nhận trút bỏ để theo Chúa, sống ơn gọi thánh hiến của mình. Bởi nếu muốn sống theo Chúa, sống chính ơn gọi mà Chúa đã trao, người linh mục không thể không nhìn ngắm, không thể không học đòi gương sống của chính Chúa Kitô. Bởi Chúa Kitô mới chính là nguồn cội phát xuất ơn gọi linh mục, và là đích điểm để chính người linh mục, sau khi đã sống ơn gọi của mình, quay về. Thánh Phêrô Đoàn Công Quý chính là tấm gương cho ta nhìn vào mà bước theo Chúa Chúa Kitô sống một đời trút bỏ. Đó chính là sống ý thức đức tin tử đạo của người linh mục hôm nay.         

III. CHÚNG TA, NHỮNG LINH MỤC COI XỨ.

Không chỉ sống cho mình, linh mục coi xứ còn phải sống cho anh chị em mà mình được trao phó. Sống đức tin tử đạo hôm nay bằng thái độ anh dũng trút bỏ, các linh mục coi xứ được mời gọi trở nên hiện thân hóa chính Chúa Kitô nơi cộng đoàn giáo xứ. Người ta gọi linh mục là mục tử. Nhưng có lẽ, các linh mục coi xứ mới là mục tử đúng nghĩa nhất: Họ là người cha, đúng nghĩa người cha trong tinh thần đức tin của gia đình giáo xứ, trong và hoàn toàn thuộc về gia đình giáo xứ, với tất cả trách nhiệm của người cha trên giáo xứ ấy. Bởi vậy, trách nhiệm Chúa trao cho các mục tử coi xứ là trách nhiệm nặng, một trách nhiệm không ai có thể thay thế được.

Các mục tử coi xứ hãy chấp nhận tử đạo và trút bỏ từng ngày. Họ không tìm an thân, cũng không tìm danh tiếng bằng xây dựng vật chất, không chạy theo cám dỗ xây cất (nói cách mỉa mai: kiếm tiền, xin tiền để xây và… “cất”), và ngụy biện cho việc cuốn hút vào công tác trần thế bằng mỹ từ: xây dựng nhà Chúa. Thực ra, xây dựng nhà Chúa giỏi nhất phải VUN BỒI ĐỜI SỐNG ĐỨC MẾN trong lòng người. Nếu có chăng những công trình trần thế, phải ghi nhớ:

– Công trình trần thế không do mình, nhưng do rất nhiều anh chị em đóng góp mà thành. Đừng mất công bằng khi tự mãn với chính mình rằng: Tôi xây nhà thờ, tôi làm nhà giáo lý, tôi xây nhà xứ, tôi xây hội trường, tôi dựng đài Đức Mẹ…, thậm chí xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương theo yêu cầu xã hội, cũng do tôi nốt… Cái tôi mà “giết chết” tập thể là giết chết lẽ công bằng! Sống đức tin tử đạo bằng chấp nhận trút bỏ là cách cần thiết để linh mục bớt thấy “tôi”.

– Những công trình trần thế, nếu là nhu cầu thực sự, nhu cầu đó phải mang lại nỗi ấm áp của một gia đình giáo xứ hiệp nhất, bình an. Công trình trần thế hiện diện nơi giáo xứ, phải nâng cao tình yêu, lòng tin, sự cậy trông vững chắc vào Chúa đối với mọi người khi đến cầu nguyện. Bởi thà giáo xứ thiếu thốn mà giàu tình yêu, còn hơn giàu tiện nghi mà nghèo tình yêu, mà chia rẻ. Sống đức tin tử đạo bằng chấp nhận trút bỏ chính là tìm vinh danh Chúa, xây dựng bác ái yêu thương trong gia đình giáo xứ, chứ không phải chỉ lo xây dựng nhà cao cửa rộng.

Nếu hình ảnh Chúa Kitô quỳ xuống rửa chân các môn đệ là tóm kết cả một đời làm người phục vụ, thì các linh mục cũng chấp nhận tử đạo bằng sự trút bỏ là thả neo cuộc đời và sứ vụ linh mục của mình vào bến đổ là Chúa Kitô, để như Chúa, các linh mục nghĩ gì, nói gì, làm gì đều nhắm một đích điểm duy nhất: ĐƯA MỌI NGƯỜI VỀ CÙNG THIÊN CHÚA.

VẤN TÂM

Chúa Giêsu đã từng dạy hãy biết trút bỏ để nên môn đệ của Chúa. Để giờ xét mình của từng anh em linh mục trong buổi tỉnh tâm này càng thấu đáo và ý nghĩa hơn, phù hợp với chính Lời Chúa và đúng thánh ý Chúa, chúng ta cùng lắng nghe chính Lời Chúa Giêsu dạy: "Đừng mang gì đi đường ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép và đừng mặc hai áo". (Mc 6, 8-9). Qua lời này, Chúa đang mời gọi từng linh mục của Chúa:

- Hãy trút bỏ tất cả những gì là cồng kềnh, những gì là cản trở, là chướng ngại làm cho lời rao giảng Tin Mừng thiếu chứng tá, công cuộc rao giảng Tin Mừng bị khựng lại.

- Đừng chỉ thấy hay chỉ dừng lại và bằng lòng với những công trình trần thế mà quên rằng, trách nhiệm mục tử trước tiên là sống tín thác cho Chúa.

- Hãy thực sự là người nghèo của Chúa. Bởi chỉ có một tinh thần nghèo khó đúng mức, người mục tử mới có thể dễ dàng dấn thân trọn vẹn cho sứ vụ, mới có thể hy sinh tận tụy, mới có thể bình an dù phải chấp nhận những nghịch cảnh đang diễn ra.

- Biết trút bỏ như Lời Chúa dạy, đó cũng chính là sống ý thức đức tin tử đạo từng ngày, suốt đời mục tử của mình. Bởi chính khi dám cắt đứt, dám trút bỏ, dám chối từ những phương tiện phục vụ cho đời sống, cho danh tiếng, cho sự an thân, cho quyền hành, cho vị trí, cho lối suy nghĩ háu thắng muốn hơn người… đã là sống ý thức đức tin tử đạo.

- Nếu trong suy nghĩ còn mang nặng sự cạnh tranh khi xây dựng những công trình trần thế, nhằm phải hơn người này, thắng vượt kẻ kia, nhằm mang lại sự nổi nang cho bản thân, dù âm thầm, nhưng tất cả những mưu toan tính toán ấy chi phối tất cả thời gian, tất cả sức lực của mình,  thì tất cả những công lao ấy không bao giờ sáng danh Chúa, nhưng chỉ là tìm “đáng bóng” mình mà thôi. Hãy cắt đứt! hãy trút bỏ! Hảy để cho tinh thần đức tin tử đạo của cha ông sống lại trong mọi công tác của người linh mục, nhất là những linh mục đang coi xứ trong giáo phận này!

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU

Trong khi chúng ta đang tĩnh tâm nơi đây, cha Đaminh Hà Chí Luyến, người anh em của chúng ta vừa rời bỏ chúng ta đi về vĩnh cửu nơi nhà Cha bình yên muôn đời. Tin rằng Chúa sẽ khoan thứ tất cả những gì còn thiếu sót nơi người anh em này, mà chỉ đoái nhìn và đón nhận những gắng công, những nỗi lực hết sức xây dựng nhà Chúa nơi trần thế. Bởi chỉ là con người như bao nhiêu con người hèn mọn khác, chắc chắn, cha Đaminh vẫn còn đó những lỗi phạm. Nhưng xin Chúa nhân từ, nhờ công nghiệm cứu chuộc của Chúa Kitô, chỉ phán xét cha qua những nỗ lực của cả một đời gắn bó, và nhiệt tình hết sức để hoàn thành sứ vụ mục tử Chúa trao. Xin Chúa chỉ phán xét cha qua những nét thương đau của những năm tháng dài chống chọi với bện tật mà sẵn sàng tha thứ và đón nhận cha.

Trong giờ tĩnh tâm này, khi ý thức rằng, thân xác người anh em còn nằm đó chờ ngày chôn táng vì thối rữa, lại chính là bằng chứng sống động hết sức để chúng ta có dịp lắng mình lại mà nhận ra chính mình, mà ăn năn hối lỗi.

Tất cả rồi chẳng còn gì. Cuộc đời con người là một bài toán khó hiểu. Nếu những con số được cộng lại, càng cộng, số càng cao. Cuộc đời con người lại không như thế. Đi qua suốt cả một đời lao đao, đến giây phút cuối cùng, cộng lại, cứ tưởng rằng sẽ giàu có lắm, sẽ nhiều không thể tưởng, lại chỉ bằng không. Một con số không lạnh lùng nhưng thực tế.

Hãy để cho cái chết của người anh em chúng ta còn đang nằm đó, giúp chúng ta ngắm nhìn chính cái chết của mình. Đáng thương và cũng đáng trách vô cùng cho bất cứ ai, biết mình sẽ chết, mà vẫn sống như mình sẽ sống. Sống như mình không chết.

Linh mục, nhất là linh mục coi xứ, là người hạnh phúc, vì được gặp gỡ nhiều xác chết trong suốt những năm tháng thi hành thánh chức. Vì thế, càng làm linh mục lâu năm bao nhiêu, càng đối diện với nhiều cái chết bao nhiêu và đưa tiễn nhiều anh chị em xung quanh bao nhiêu, càng là bằng chứng sống để linh mục khám phá chính cái chết của mình.

Nhận ra anh em mình đã chết, để thấy mình sẽ chết, linh mục sẽ can đảm hơn trong cuộc tử đạo hằng ngày suốt đời mình. Sống đức tin tử đạo thường xuyên, suốt đời như thế, chắc chắn linh mục sẽ không nề hà bất cứ điều gì mà không dũng cảm trút bỏ để nên thánh thiện như Chúa Kitô là Đấng Thánh.

Chúng ta không quên nguyện xin thánh Phêrô Đoàn Công Quý cầu bàu cho chúng ta, để chúng ta, đàn em của thánh nhân, biết noi gương người anh cả của mình, đã sống cho Chúa suốt đời, thì khi chết, cũng là một cái chết chứng nhân cho Tin Mừng tình yêu của Chúa.

Xin cha Đaminh Hà Chí Luyến, giờ đây, trước tòa Chúa cũng hãy cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta tạm biệt cha và xin hẹn gặp lại cha mai ngày trên quê hương vĩnh phúc.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Mục lục

 

TÂM TÌNH VỚI CÁC TÂN LINH MỤC

Hằng năm vào mùa hè, nhiều giáo phận Việt Nam thường tổ chức lễ truyền chức linh mục. Là người làm công tác đào tạo tu sĩ, linh mục lâu năm, tôi nhận được nhiều thiệp báo tin hoặc mời tham dự lễ phong chức và lễ "mở tay" của tân linh mục. Tôi lấy làm tiếc vì thông thường chẳng những tôi không đến tham dự được, mà ngay gởi thư chúc mừng, tôi cũng không làm được, chỉ biết hiệp thông cầu nguyện với anh em và cho anh em. Nhưng năm nay, có anh em xin tôi chia sẻ một vài kinh nghiệm đời linh mục của tôi với anh. Việc này thì tôi khó lòng từ chối. Nhân cơ hội này, tôi xin gởi luôn tới các tân linh mục năm nay--những người tôi quen biết hoặc là học trò của tôi--bốn suy nghĩ tâm tình mà tôi đã có dịp chia sẻ với nhóm tân linh mục của dòng chúng tôi năm ngoái (2006). Những điều này không có gì cao siêu cả.

1. Coi chừng nguy cơ sống bám vào cái hào quang bề ngoài

Sau khi chịu chức linh mục, anh em đã về gia đình dâng lễ tạ ơn tại giáo xứ mình và một vài nơi khác; trong những dịp này và suốt thời gian qua, anh em đã nhận được biết bao lời chúc mừng và ca tụng. Chắc anh em đã trực tiếp cảm nghiệm được lòng tôn kính của dân chúng đối với linh mục lớn lao như thế nào. Vì tôn kính linh mục, người ta cũng rất kính trọng các bậc sinh thành của linh mục mà họ tôn lên thành ông bà cố,--một điều mà chắc các cha mẹ nào cũng mơ ước. Nhưng anh em cũng hiểu rằng trong văn hóa Việt Nam vốn còn mang đậm ảnh hưởng của Nho giáo, lòng tôn kính đó phát xuất một phần từ đức tin nhưng phần khác từ cái nhìn tự nhiên về chức vụ linh mục như một thứ bậc, một chức tước xã hội.

Chúng ta không phê bình dân chúng về điểm này. Nhưng người linh mục cần tỉnh táo để đừng rơi vào chước cám dỗ sống bám vào cái hào quang xã hội trùm lên mình, hoặc bám vào ánh hào quang của chức vụ linh mục hơn là sống bằng thực chất và uy tín tinh thần mà chính mình tạo ra nhờ cố gắng sống đời linh mục như lòng Chúa muốn. Cám dỗ này là có thực khi một con người cũng bình thường như chung chung mọi người thôi, nhưng chỉ sau một lễ truyền chức bổng chốc thấy mình được tăng giá trước mặt xã hội, giống như một khu đất bình thuờng được tăng giá gấp nhiều lần sau khi có một con đường lớn chạy qua! Cái giá "thặng dư" (tăng thêm) đó là của con đường không phải của tự thân đám đất. Tôi muốn nói: Việc chúng ta được hưởng thêm hào quang của chức vụ linh mục là bình thuờng, nhưng đừng bám vào đó mà quên mất nỗ lực bản thân.

2. Luôn ý thức về sự bất xứng của chúng ta đối với sứ mạng cao cả được giao phó

Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm đầu đời linh mục của tôi. Tôi thụ phong linh mục vào tháng 7 năm 1968 tại nhà thờ chính tòa tổng giáo phận Paderborn, lúc bấy giờ thuộc Tây Đức. Theo tập tục, tân linh mục được gởi đi dâng lễ và ban phép lành "đầu tay" trong một vài cộng đoàn tu sĩ và nhà thương trong thành phố. Lần đó, tôi đến dâng lễ ở nhà thương Thánh Tâm Chúa Giêsu (nơi mà tôi đã có lần được giải phẫu). Sau lễ, tôi được gọi khẩn cấp tới một giường bệnh: người ta cho tôi biết có một chị mới lập gia đình đang nguy kịch vì uống nhầm thuốc. Khi tới nơi, tôi vô cùng xúc động thấy cả gia đình bệnh nhân sụt sùi vây quanh người phụ nữ đang hấp hối. Tôi thực sự nghẹn ngào. Nói gì trong hoàn cảnh này để khỏi trở thành khách sáo, trống rỗng? Và tôi là ai để mở miệng an ủi những con người bất hạnh này khi mà tai họa của họ không phải là của mình? Tôi đứng lặng một hồi lâu để đồng cảm với họ, cuối cùng cũng tìm ra lời để mời họ nghĩ tới Chúa Giêsu trên thập giá, rồi cùng với họ đọc một kinh Lạy Cha, đoạn ban "phép lành tân linh mục" cho bệnh nhân và cúi đầu lui ra.

Linh mục chúng ta được sai đến với một nhân loại khổ đau và bị tổn thương, nhưng chính mình cũng mang thương tích của tội lỗi. Chúng ta được sai đi cứu vớt, trong lúc chính mình cũng cần được cứu vớt. Chúng ta thánh hóa người khác và loan báo Tin Mừng cho người khác, mà chính chúng ta cũng phải được thánh hóa và được Phúc Âm hóa. Có một sự chênh lệch lớn lao giữa chúng ta là phương tiện tầm thường Chúa dùng và mục đích cao cả mà Chúa đặt ra cho sứ mạng linh mục. Ta phải luôn luôn giữ cho sống động cái ý thức về sự chênh lệch này để đừng quên nỗi cùng khốn, sự yếu hèn và bất xứng của chúng ta.

3. Đừng trở thành những linh mục công chức

Nói theo ngôn ngữ kinh tế, người linh mục "vào nghề" với một cái vốn quá lớn và luôn luôn được bao cấp. Cái vốn lớn đó, chính là thánh chức linh mục, là ân sủng của chức vụ linh mục. Linh mục hành động không những nhân danh Chúa Kitô mà còn là trong chính vị trí Chúa Kitô, như chính Người hành động. Trong hành động riêng của chức vụ, linh mục làm gì, làm thế nào rồi cũng thành sự cả. Về mặt này, ông linh mục mới toanh hay ông linh mục đã thi hành chức vụ lâu năm, ông linh mục trẻ hay ông linh mục già, ông linh mục đạo đức hay ông linh mục kém cỏi... cũng hoàn toàn như nhau. Phêrô rửa tội nhưng là chính Đức Kitô rửa tội; Giuđa rửa tội nhưng là Đức Kitô rửa tội. Nói: "Linh mục 'hành nghề' luôn được bao cấp" là như thế đó. Có Chúa Giêsu bao cấp cho rồi. Linh mục "hành nghề" mà khỏi lo lỗ lãi chi cả, điều cốt yếu luôn luôn được bảo đảm!

Thực tế này chất chứa một số nguy cơ cho người linh mục. Chẳng hạn nguy cơ làm các công việc bổn phận của mình, từ quản trị đến phụng tự một cách máy móc, vô hồn hay cứng cỏi (cứng cỏi đối với giáo dân); nguy cơ biến mình thành công chức của một cơ chế thay vì sống như một người môn đệ trung thành của Chúa và người mục tử tốt lành đối với cộng đồng dân Chúa, hoặc nguy cơ không còn thấy cần phải nỗ lực thường xuyên để hoàn thiện bản thân về mặt thiêng liêng và chuyên môn (nghiệp vụ) nữa.

4. Luôn luôn nuôi dưỡng sống động tinh thần truyền giáo

Chia sẻ cuối cùng của tôi dựa trên mấy lời đầy bức xúc của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh vào cuối lễ truyền chức hôm 9/12/2006 tại tu viện Phanxicô Thủ Đức. Ngài nói chúng ta phải đổi cách nhìn về Giáo Hội. Cái nhìn nào mà phải thay đổi? Đó là cái nhìn quen thuộc và phổ biến hướng vào nội bộ Giáo Hội thay vì hướng mở ra bên ngoài tới thế giới bao quanh, tới những môi trường, những con người còn xa lạ với Chúa để tìm cách đem Tin Mừng đến cho họ. Cái nhìn hướng nội không phải là sai nhưng phiến diện và có nguy cơ làm cho người ta mãn nguyện về những thành tích đã đạt được. Đức cha nói nếu thay đổi cách nhìn, chúng ta sẽ thấy mọi sự không phải là tốt đẹp cả đâu và Giáo Hội còn nhiều vấn đề, nhiều thách thức. Chẳng hạn, có bao nhiêu người lớn nhập đạo hằng năm không phải vì lý do lập gia đình nhưng nhờ gương sáng đời sống hoặc nhờ lời rao giảng của người Kitô hữu? Ít lắm! Đời sống đạo mà chúng ta đang rất hãnh diện có tác động tích cực nào ra bên ngoài ranh giới của các giáo xứ, các đoàn thể công giáo và hay các dòng tu? Cũng ít lắm! Đức Cha Oanh nói, giữa đời sống văn minh giàu có của Sài Gòn và đời sống dân chúng ở vùng cao nguyên của ngài là một vực thẳm cách biệt. Ngài lo lắng với đà phát triển vật chất đang diễn ra, liệu sẽ còn mấy ai sằn sàng đáp lại ơn gọi tu sĩ và linh mục? E rằng chỉ còn mấy người "quê mùa" và nghèo khó mà thôi.

Mấy lời tâm huyết của Đức Cha giáo phận Kontum nhắc nhở chúng ta phải có thao thức truyền giáo, phải luôn luôn nuôi dưỡng ý thức loan báo Tin Mừng trong mọi công việc chúng ta làm và môi trường chúng ta sống, và trước tiên trong lối sống của chúng ta. Chính nhờ thao thức và ý thức đó mà chất lượng Phúc Âm của đời sống chúng ta sẽ được nâng cao, đối lại với sự trì kéo của tinh thần thế tục, óc hưởng thụ, sự mệt mỏi và thói quen.

Kết luận: Anh em sắp bắt đầu thi hành tác vụ linh mục, xin đừng nôn nóng muốn một thành công mau lẹ và nổi bật. Đừng tìm cách khẳng định mình bằng những thành tích bên ngoài. Đừng tìm kiếm vinh danh của mình nhưng là vinh quang của Chúa. Hãy để cho Chúa tự do sử dụng mình.

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Mục lục

 

Ra đi – Rao giảng - Rộng tay

Trong đời sống, khi quốc gia đất nước nào được mời tham dự hội nghị với các nước lân bang, hay muốn thông báo sứ điệp của mình cho nước bên cạnh, Chính phủ nước đó thường gửi Sứ gỉa đại diện với sứ mệnh rõ ràng đến tham khảo trình bày ý kiến của mình.

Trong Giáo Hội, khi đức Giáo Hoàng không thể đích thân đến tham dự hoặc thăm viếng hội nghị, hay một Giáo Hội địa phương nào được, ngài gửi Sứ gỉa đại điện cũng với sứ mệnh rõ ràng đến nơi đó loan báo sứ điệp.

Ngày xưa Chúa Giêsu Kitô cũng tuyển chọn và sai các Tông Đồ với sứ mệnh: ra đi đến với con người, rao giảng về nước Thiên Chúa và rộng tay chúc lành cho họ. (Lc 10,2-9).

1. Ra đi

Thánh giáo phụ Augustino có suy niệm: “ Niềm mong ước khao khát của Thiên Chúa là con người. Chính vì thế, Ngài không ở luôn trên trời cao xa. Nhưng muốn xuống với con người trên trần gian. Trong thư gửi Giáo đoàn Philiphe, Thánh Phaolô viết: Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống người phàm sống như mọi người giữa trần thế”.

Trong một mẩu chuyện dụ ngôn, Michael Ende đã kể lại đoạn chuyện hai chú bé Jim và Luca lái xe lửa đi xuyên trong sa mạc. Xe của họ chạy ngang qua những bãi cát hoang vu bát ngát, thình lình từ đàng xa phía chân trời trước mặt, họ nhìn thấy một bóng người khổng lồ xuất hiện đang tiến tới theo hướng ngược chiều xe đang chạy. Họ hoảng sợ toát mồ hôi và muốn nhảy xuống khỏi xe chạy trốn...

Bỗng có âm thanh như tiếng người nói nhỏ nhẹ phát ra: “Các Bạn đừng chạy trốn làm gì! Tôi biết mọi người đều hoảng sợ khi gặp tôi và đều muốn chạy trốn cả!”. Hai chú bé nghe thế liền đứng lại nhìn người khổng lồ tiến lại gần hơn.

Trước mắt hai chú bé một sự kinh ngạc xảy ra: Người khổng lồ càng đền gần bao nhiêu, người đó lại càng bé đi bấy nhiêu. Khi người khổng lồ sau cùng đến sát gần bên họ, người đó không to cao lớn hơn và cũng chẳng nhỏ hơn hai chú.

Ngạc nhiên hai chú hỏi người khổng lồ: Làm sao ông lại như thế này? Từ xa ông trông có hình dạng khổng lồ làm chúng tôi hoảng hốt sợ hãi toát mồ hôi ra. Nhưng bây giờ gần ông, ông lại cũng chỉ to lớn như chúng tôi thôi.

Người khổng lồ đáp lại: Mỗi con người có một bí mật. Nói đúng hơn mỗi người là một mầu nhiệm. Nơi những người khác như thế này: họ càng đi ra xa, hình bóng của họ càng nhỏ đi. Nơi tôi thì lại khác ngược lại: tôi càng đi ra xa, thân hình tôi càng chiếu tỏa to lớn ra. Tôi càng tới gần, người ta lại càng nhận ra thân thể hình dạng thật của tôi”.

Chúng ta tin nhận Thiên Chúa là Đấng vô hình ở tận nơi cao xa. Với con người chúng ta Ngài là Đấng to lớn cao cả khổng lồ vô tận. Vì thế có nhiều người sợ hãi trước Ngài.

Nhưng Thiên Chúa đã thành người ở trần gian qua Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa xuất hiện là Đấng cao cả, theo tầm nhìn từ xa, đã đến gần con người chúng ta trong bản thân Chúa Giêsu Kitô. Nhờ thế, con người chúng ta nhận ra thân thể hình dạng thật sự của Ngài.

Chúa Giêsu làm người sống ở giữa trần gian. Ngài đi đến với mọi người, dù họ là người bé nhỏ, yếu đuối bệnh tật, người bị hất hủi bỏ quên trong xã hội. Qua đó mọi người nhận ra hình dạng thật sự của Thiên Chúa: một Thiên Chúa gần gũi với con người, một Thiên Chúa tình yêu hằng muốn đem đến cho con người đời sống bình an hạnh phúc.

Chúa Giêsu sai các Tông đồ và những người làm sứ gỉa cho Ngài ra đi đến trong trần gian với sứ mệnh đến với con người, đến với gia đình con người sinh sống, đến với mọi tầng lớp trong xã hội. Họ là những người bị lạc đường, bị thương tổn thể xác cũng như tinh thần, sống trong thất vọng lo âu, trong sợ hãi, mất niềm tin và cảm thấy cuộc đời mất ý nghĩa.

Ơn Kêu gọi theo Chúa làm Sứ gỉa cho Ngài là ơn kêu gọi ra đi đến với con người!

Qua những sứ gỉa của Chúa, hình dạng chân thật của Chúa được nhận ra: Hình dạng một Thiên Chúa gần gũi với con người.

2. Rao giảng

Khi Sứ gỉa được sai đi đại diện tham dự hội nghị, họ phải trình bày sứ điệp được trao cho.

Chúa Giêsu sai các Tông đồ ra đi đến với con người rao giảng cho họ: Nước Thiên Chúa đến gần anh em!

Người sứ gỉa rao gỉang chỉ một mình Thiên Chúa là Chúa của con người. Ngoài ra không ai khác. Càng ngày, càng có thêm nhiều thần tượng, nhiều chúa tể tôn thờ do con người tạo nên. Nhưng những thần tượng đó, những chúa đó không mang bình an, không mang đến cho đời sống con người ý nghĩa đầy đủ trọn vẹn. Họ không phải là hình dạng một Thiên Chúa chân thật.

Nhưng như thế vẫn chưa là tất cả. Rao giảng tin mừng về Thiên Chúa còn hơn thế nữa. Thánh phụ Đaminh, đấng sáng lập Dòng thuyết giảng, đã nhắn nhủ, như một thứ hành trang trao vào tay những người đi rao giảng: “contemplata tradere”.

Qua đó Thánh nhân muốn nói: anh em phải sống những lời anh em rao giảng, qua học hỏi nghiên cứu, nhất là qua suy tư cầu nguyện trong tương quan sống động với Thiên Chúa.

Một đòi hỏi cao độ. Nhưng có thế mới phù hợp với sứ mệnh rao giảng về một Thiên Chúa vô hình là nguồn sự sống và tình yêu.

Văn hào B. Brecht đã có suy tư để lại: “ Không ai có thể mang lại niềm vui cho người nào đó, nếu bản thân họ không có niềm vui”.

Có lẽ câu ngạn ngữ trong dân gian cũng diễn tả tâm trạng như thế: Trong lòng có đầy, mới tràn ra bên ngoài!

Người sứ gỉa Tông đồ của Chúa không chỉ rao giảng Thiên Chúa bằng ngôn ngữ tiếng nói, nhưng còn qua chính đời sống bản thân của mình nữa.

3. Rộng tay

Trong Kinh Tin kính chúng ta tuyên xưng: “ Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”.

Thiên Chúa có quan tâm ý thích tới con người. Còn ý thích quan tâm của con người với Thiên Chúa, nếu không phải là sự thành công trong đời sống. Được cứu chữa an ủi thuộc về sự thành công trong đời sống vậy.

Trong cuộc sống xã hội xưa nay có rất nhiều những vết thương, những đau khổ: ngoài thân xác lẫn trong tâm hồn.

Vết thương ngoài thân thể có thể chữa lành bằng thuốc men. Nhưng vết thương trong tâm hồn, nhiều khi còn sâu đậm đau đớn hơn vết thương nơi thân thể, đòi hỏi chữa trị kéo dài hằng năm trời, đôi khi suốt cả đời sống.

Sứ mệnh phục vụ của linh mục là rộng tay chữa lành những vết thương đau khổ của con người qua Bí tích giải hòa giải, lời an ủi, tạo cơ hội giúp con người tập họp lại với nhau cùng chung sống trong Giáo Hội.

Lời nói, thái độ cử chỉ cùng sự an ủi thông cảm của linh mục là linh dược cho con người đang bị thương. Họ cần được rộng tay chữa lành.

Linh mục được sai đến với những con người đang đi tìm kiếm, đang có thắc mắc, đang gặp thất bại trong đời sống về hôn nhân, về gia đình con cái, đang bị bỏ rơi khinh miệt, đang bỏ rời xa Thiên Chúa và Giáo Hội. Họ là những người đang mang vết thương sâu đậm trong đời sống. Họ cần có được vòng tay rộng mở chữa lành của Giáo Hội.

Linh mục, người được sai đi, không chỉ là người của Chúa, nhưng còn đang là một con người sống giữa trần gian trong xã hội thời đại ngày hôm nay.

Và để giữ thăng bằng cho đời sống làm sứ gỉa Tin mừng, có lẽ lời nhắn nhủ của Thánh phụ Đaminh” Comtemplata tradere - suy niệm tìm học nơi Thiên Chúa, hướng về tâm lý cùng hoàn cảnh đời sống con người, quan tâm đến những biến cố dấu chỉ thời đại trong đời sống.” là chỉ dẫn thiết thực.

Từ nguồn cảm hứng hướng dẫn đó tìm ra cách thức đến với con người, rao giảng cho họ và rộng tay chữa lành cùng đồng hành với họ.

Kính thưa Cha Cố Giuse Nguyễn văn Tịnh yêu qúi,

Từ 50 năm qua, theo ngôn ngữ văn chương thi ca diễn tả đó là thời gian nửa thế kỷ, Cha Cố được Thiên Chúa kêu gọi là Sứ gỉa trong chức vụ Linh mục.

50 năm giai đoạn lịch sử không gian, từ Á châu sang Âu châu rồi sang Mỹ Châu và trở lại Âu châu, đời linh mục của Cha cố ra đi đến với con người.

50 năm đoạn đường lịch sử đời Linh mục của Cha cố sống rao giảng cùng làm chứng cho Thiên Chúa giữa con người.

50 năm quãng thời gian lịch sử đời Linh mục của Cha Cố rộng tay ban các Bí tích chữa lành mang niềm an ủi của Thiên Chúa cho con người.

Thiên Chúa đã kêu gọi Cha cố vào làm thợ trong vườn nho của Ngài. Và Cha cố từ 50 năm nay đã luôn nói với Ngài: Vâng, con xin đến để thực thi ý Chúa muốn!

Thực thi ý Chúa muốn giống như người bắc nhịp cầu ngang qua lạch nước hay chỗ đất trũng sâu, để con người bước qua sang bờ bên kia đi đến với Thiên Chúa.

Một công cụ khiêm hạ. Nhưng lại rất cần thiết cùng hữu ích cho đời sống con người.

Xin dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban ân đức kêu gọi cùng gìn giữ đời linh mục của Cha cố.

Xin chúc mừng Cha cố dịp vui mừng này 1957. 29.06. 2007

Lm. NguyễnNgọc Long

Mục lục

 

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC

LÀM MẸ ĐỠ ĐẦU

Câu hỏi :

Bạn con muốn con làm mẹ đỡ đầu cho con của chị ta. Con là công giáo, nhưng chưa Thêm sức. Con có làm mẹ đỡ đầu được không?Làm sao biết tên thánh của con là gì nếu con quên rồi?

Nguyen Nguyen

 

Trả lời :

 

Thăm Nguyen Nguyen,

 

Về việc đỡ đầu khi Rửa tội:

 

Giáo luật điều 872 và 874 qui định rằng:

 

“Trong mức độ có thể được, phải liệu cho người sắp chịu Bí Tích Rửa Tội có một người đỡ đầu. Nhiệm vụ của người đỡ đầu là tham dự vào việc khai tâm Kitô giáo của người lớn sắp rửa tội; còn đối với nhi đồng sắp rửa tội, người đỡ đầu phải cùng với cha mẹ đem em nhỏ đến rửa tội, rồi cộng

 tác với cha mẹ giúp em bé đã được rửa tội sống đời sống Kitô giáo cách xứng đáng và tận tụy chu toàn những bổn phận gắn liền với Bí Tích Rửa Tội.” (điều 872).

 

“Để được nhận giữ vai trò đỡ đầu, cần:

 

(1) Phải được chọn lựa do chính người sắp được rửa tội, hay cha mẹ của đương sự hoặc người thế quyền cha mẹ; nếu không có cha mẹ và người thế quyền thì Cha Sở hay thừa tác viên rửa tội sẽ chọn lựa. Người được chọn phải có khả năng và chủ ý thi hành nhiệm vụ đỡ đầu;

 

(2) Đã được mười sáu tuổi trọn, trừ khi Giám Mục giáo phận ấn định tuổi khác, hoặc Cha Sở hay thừa tác viên thấy có thể nhận một ngoại lệ vì lý do chính đáng;

 

(3) Phải là người Công giáo, đã chịu Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Thánh Thể, lại phải có đời sống xứng hợp với Đức Tin và chức vụ sắp lãnh nhận;

 

(4) Không mắc một hình phạt giáo luật đã được tuyên kết và tuyên bố hợp lệ; (5) Không phải là cha hay mẹ của người được rửa tội. (điều 874, §1)

 

Qua những qui định trên, Cha Tiến thấy cần lưu ý một vài điểm sau:

 

1. Nguyen đã đủ 16 tuổi chưa? Nếu Nguyen chưa tới 16 tuổi thì không nhận làm mẹ đỡ đầu trong trường hợp rửa tội này được.

 

2. Nguyen chưa lãnh nhận Bí tích Thêm sức: Trong trường hợp này Nguyen không đủ điều kiện để làm mẹ đỡ đầu cho em nhỏ rửa tội.

 

3. Phải là người có đời sống xứng hợp với đức tin...: Nguyen là một người công giáo, có đủ khả năng xử dụng “computer” để đặt thắc mắc này mà không nhớ hay không biết tên thánh khi mình rửa tội, thì Cha Tiến nghĩ Nguyen không nên nhận làm mẹ đỡ đầu rửa tội cho ai cả, vì Cha Tiến nghĩ Nguyen không đủ điều kiện giáo luật qui định.

 

Trong trường hợp quên tên Thánh khi rửa tội, xin Nguyen liên hệ với Linh mục sở tại nơi Nguyen đang sống, ngài sẽ có những cách thức giúp cho Nguyen nhớ lại những gì cần nhớ về vấn đề giáo lý, kể cả tên thánh khi Nguyen rửa tội.

 

Thân ái,

 

Lm. Bùi Đức Tiến

 

Mục lục

 

SỐNG CHỨNH NHÂN

VƯỢT THẮNG TÀN TẬT NHỜ TÌNH THƯƠNG BAO LA CỦA GIA ĐÌNH

Christopher Burke - người Mỹ - bị bệnh ngớ-ngẩn. Chàng làm việc trong trường học dành cho các trẻ em tàn tật. Điều đáng nói: Christopher còn là tài tử đóng phim. Cuốn phim chàng đóng mang tên “Life Goes On - Cuộc sống vẫn tiếp diễn” được khởi chiếu trên đài truyền hình ABC Hoa Kỳ từ ngày 12-9-1989.

Để đạt tới cao điểm danh vọng - cao điểm đối với một thanh niên tàn tật như chàng - Christopher phải thắng vượt rất nhiều khó khăn, trong đó có thành kiến của xã hội đối với người tàn tật. May mắn cho Christopher là chàng sinh ra trong gia đình tốt, cha mẹ và anh chị thật lòng thương yêu chàng, và nhất là, chàng có một quả tim vàng, trong một thể xác và tinh thần tàn tật.

Ông bà Marian và Frank Burke có tất cả 4 người con, 2 gái, 2 trai, kể cả Christopher, con trai sau cùng. 2 chị và anh của Christopher là những đứa trẻ khôi ngô, từng được chọn đóng các vai trong các màn quảng cáo trên truyền hình. Gia đình Burke tiếp nhận con trai bị bệnh khờ-khạo với trọn tấm lòng quảng đại. Hai chị gái Anne và Ellen cùng nhau dạy cho em út biết đọc biết viết. Về phần Francis - anh kề Christopher - cậu thiếu niên có đức kiên nhẫn tuyệt diệu, gần như anh hùng. Francis chơi với em hàng giờ, nhẫn nhục dạy em biết bơi, biết ném banh, biết đánh vũ cầu, biết chơi quần vợt. Mỗi khi đi chơi thể thao với bạn bè, Francis luôn đưa em theo và cho em tham dự vào các trò chơi của mình. Tất cả cử chỉ săn sóc yêu thương, trìu mến của cha mẹ, của anh chị, đã giúp cậu bé ngớ-ngẩn Christopher, từ từ tham gia cuộc sống gia đình và xã hội.

Năm lên 8 tuổi, Christopher tình cờ trông thấy hình ảnh anh chị mình đóng các vai trong các màn quảng cáo trên truyền hình. Christopher sung sướng đến đỏ mặt, cậu vừa giơ tay chỉ các tấm hình vừa ngọng ngịu nói:

- Con muốn làm như vậy nè .. con muốn .. con cũng muốn ở trên truyền hình nữa!

Bà Marian nghe như lòng bị se thắt, không biết trả lời sao với con. Có nên nói sự thật cho con biết không? Sau cùng, bà nói:

- Cưng à, Mẹ không rõ có vai nào dành cho con không.

Bà Marian thật lầm, bà không biết rằng, đứa con trai ngớ-ngẩn của bà lại có sức tự tin vững chắc. Cậu bé trả lời Mẹ:

- Để rồi xem, ai biết được!

Chính từ giây phút đó, cậu bé không ngừng mơ ước trở thành tài tử đóng phim, xuất hiện trên truyền hình!

Năm 21 tuổi, Christopher Burker mãn bậc trung học. Chàng rời ghế nhà trường và tìm việc làm. Nhưng chàng chạm trán với sự thật phũ phàng: không ai muốn thuê chàng chính thức làm bất cứ việc gì. Sau cùng, qua trung gian của chị gái Ellen - giờ đây lập gia đình và có con cái - Christopher được nhận vào làm việc trong một trường học dành cho các trẻ em tàn tật.

Và rồi điều Christopher hằng ước mơ xảy đến. Một ngày người ta tìm một người trẻ ngớ-ngẩn để đóng một vai trong truyện phim ”Life Goes On” trình bày những vui buồn, khó khăn, chiến đấu, ngày qua ngày, của một gia đình có đứa con bị khờ-khạo. Christopher được giới thiệu và chàng nhận lời ngay. Chàng vui mừng hét lớn:

- Phải rồi, đúng rồi, tôi sắp đóng phim!

Sau khi nhận lời đóng phim, nhiều vấn đề được đặt ra. Người ta không rõ Christopher có thể thực hiện trọn vẹn các vai đóng không. Chẳng hạn, trong một màn, chàng phải đóng vai một học sinh ngớ-ngẩn, bị gọi đến văn phòng ông hiệu trưởng, cùng với vị giáo sư và cha mẹ, để trả lời nghi vấn của ông hiệu trưởng. Nhất là, để minh oan cho mình, trước lời vu cáo chép bài người bên cạnh, chàng phải đọc thuộc lòng, trước mặt mọi người, một đoạn trong bài thơ ”Con quạ” của văn sĩ nổi tiếng người Mỹ, ông Edgar Allan Poe (1809-1849). Chàng Christopher khờ khạo có thể đóng trọn vai này chăng, hay phải nhờ người nhắc? Nhưng Christopher thật tự tin. Chàng quyết định học thuộc lòng đoản thơ và chàng thành công vẻ vang.

Khi khởi chiếu truyện phim ”Cuộc sống vẫn tiếp diễn”, hết mọi khán thính giả đài truyền hình ABC thật cảm động theo dõi câu chuyện và nhiệt liệt khen ngợi chàng ngớ-ngẩn Christopher đóng phim thật tài tình!

Thế nhưng Christopher không lấy thành công làm vinh dự riêng cho mình. Chàng dùng thành công để lôi kéo sự chú ý của quần chúng đối với số phận người tàn tật. Chàng khuyến khích, nâng đỡ tinh thần của người không may bị tàn tật, hoặc thể xác, hoặc tinh thần. Chàng hăng say sống cho tha nhân, vì tha nhân và quên đi nỗi bất hạnh của riêng mình.

... ”THIÊN CHÚA sẽ làm mưa trên hạt giống ngươi gieo trồng, cho lương thực, sản phẩm của đất đai, thật dồi dào béo bổ. Ngày đó, súc vật ngươi chăn nuôi sẽ ăn trên những đồng cỏ xanh bát ngát. Bò lừa cày ruộng sẽ được ăn cỏ khô trộn muối, cỏ người ta đã lấy xẻng và chĩa mà rải ra. Trong ngày đại tàn sát, khi các ngọn tháp đổ nhào trên mọi núi và mọi đồi cao, sẽ có những khe suối và dòng nước chảy. Vào ngày THIÊN CHÚA băng bó vết thương cho dân Người, và chữa lành những chỗ nó bị đánh, ánh sáng mặt trăng sẽ nên như ánh sáng mặt trời, và ánh sáng mặt trời sẽ tăng gấp bảy - ánh sáng của bảy ngày” (Sách Isaia 30, 23-26).

(Reader's Digest SÉLECTION, Octobre 1992, trang 61-66).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Mục lục

 

CÙNG ĐỌC & SUY GẪM

Những điều mong ước gửi các linh mục…


 

1.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

 

Để khi vừa thấy các ngài, người ta nhận ra đó là người-của-Chúa và cũng là người-của-mọi-người. Thánh thiện, thân thương, dịu dàng và dễ mến


2.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

 

Để khi gặp gỡ các ngài, ít ra người ta có thể đón nhận được một nụ cười, một cái bắt tay, một lời chào, một hỏi han…không tiết kiệm xã giao, không lạnh lùng xơ cứng, không bôi bác hời hợt…

3.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

 

Để khi được các ngài phục vụ, người ta nhận ra đó là những chứng nhân đích thực. Chứng nhân của tình yêu thương và lòng trung tín. Chứng nhân của khó nghèo và khiêm hạ. Chứng nhân của Hy Tế Thập Giá và của Tin Mừng Phục Sinh…

4.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

 

Để khi chăm chú nghe bài giảng của các ngài, người ta cảm thấy “no nê” Lời Chúa, cảm thấy thỏa mãn khát vọng biết Chúa và yêu Chúa hơn, cảm thấy gia tăng niềm tin và tràn ngập nâng đỡ ủi an…

5.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

 

Để khi tham dự các bí tích do các ngài cử hành, người ta thấy sốt sắng lạ lùng vì cảm nghiệm đức tin được thể hiện sung mãn, bởi qua các ngài, đích thực có một sự hiện diện nào đó rất thánh thiêng và sống động…

6.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

 

Để mỗi khi nhìn thấy các ngài mặc chiếc áo chùng thâm - bấy kỳ ở đâu và bất kỳ lúc nào có thể - người ta sẽ yên tâm và thầm vui trong lòng, người ta sẽ khoe với nhau “Cha đó!”, “Đích thực là Cha rồi!”...

7.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

 

Để mỗi khi cộng tác với các ngài trong việc tông đồ, mục vụ, người ta sung sướng vì được làm việc với Chúa, cho Chúa, người ta hài lòng và nhẹ nhàng quên đi nỗi cực nhọc, vất vả vì luôn thấy mình được-đồng-hành trong phục vụ…

8.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

 

Để mỗi khi thấy các ngài điều hành công việc giáo xứ, công việc cộng đoàn, người ta có thể học hỏi được nhiều điều bổ ích, người ta có thể cảm nhận mình được “lớn” hơn lên nhờ việc liên kết các mối quan hệ, người ta có thể tự an ủi rằng mình cũng là một thành phần có ý nghĩa trong Dân Chúa…

9.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

 

Để khi thấy các ngài ra đi “xuống phố”, người ta nghĩ ngay đến các cuộc thăm viếng mục vụ, trong nắng trong mưa, nơi ngõ hẻm, ở xóm nghèo, ngoài chốn xa…Ra đi âm thầm, kín đáo, không bao bị cồng kềnh, không đón đưa rềnh ràng, nhưng sự trở về của các ngài luôn hứa hẹn những hoa trái mới, những hồi sinh mới, những điều lạ mới…

10.- Ước gì các ngài luôn nhớ mình là ai…

 

Để khi phải nói về các ngài, người ta không do dự mà bảo với nhau rằng “Đó chính là vị mục tử nhân lành” (Bonus pastor), và rằng “Chúng ta không thể thiếu ngài, vì ngài đích thực là Đấng-nhân-danh-Chúa mà đến” (Alter Christus)…


 

Augustinô Khải Trần

Mục lục

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

 

BẢO TRÌ

 

Thành phố San Francisco, bang Cali. Có một cây cầu treo rất nổi tiếng, đó là cầu Golden Gate. Một kiến trúc sư, trong tổ bảo trì, đã cho biết: Quanh năm, ngày nào chiếc cầu cũng phải được sơn phết lại. Điều đó có nghĩa là, khi công việc sơn phết vừa xong, thì cũng vừa đến lúc phải bắt đầu trở lại. Công việc này không bao giờ được coi là hoàn tất, mà là một tiến trình liên tục. Không có sự săn sóc đó, lớp vỏ bọc ngoài và nhiều giá trị thẩm mỹ khác của cây cầu sẽ bị phá hoại.

 

Việc săn sóc gia đình, cũng chẳng khác gì việc sơn phết cây cầu khổng lồ Golden Gate. Nó là việc phải làm liên tục. Nếu sao nhãng, nhiều giá trị cao quý của gia đình sẽ bị xói mòn. Đó là một thực tế, mà những ai đã bước vào đời sống gia đình nên lưu ý.

 

Công việc phải làm luôn đó, còn nêu lên cho chúng ta một sự thực nữa: Đừng bao giờ mang sẵn một định kiến phải hoàn tất mọi việc ngay lập tức. Bởi vì sẽ chẳng bao giờ làm được. Khả năng của chúng ta chỉ có hạn, không nên ảo tưởng. Thay vào đó, chúng ta hãy quyết tâm thực hiện hằng ngày. Phải cố gắng với hết khả năng, nhưng đừng bao giờ rơi vào trạng thái quá tải. Việc hôm nay đủ cho hôm nay, việc ngày mai đủ cho ngày mai.

 

Đốt giai đoạn là hành vi thiếu khôn ngoan. Cây cung căng mãi, không đứt thì cũng chùng, nó cần phải trở về tình trạng thư giãn, để có thể tồn tại lâu dài.

 

Việc bảo dưỡng gia đình cũng phải tuần tự, từng bước vững chắc. Chưa nâng được quả tạ 30kg, thì đừng vội vã nâng cặp tạ 50kg. Bởi vì rất có thể sẽ gây đại họa.

 

Vợ chồng sống bên nhau, có nhiều điều phải xây dựng cho nhau. Có những nhược điểm, khi mới yêu nhau, giấu nhau, hoặc không nhận ra. Về với nhau rồi, tất cả mới lộ diện. Vì thế, hạnh phúc hôn nhân nằm ở chỗ chấp nhận nhau, không phải chỉ ở ưu điểm, mà là cả con người của nhau. Trong đó, dĩ nhiên, có cả khuyết điểm. Đã là người, không ai thập toàn cả. Chấp nhận nhau không phải trong tâm trạng “Đành chịu ”, nhưng để thăng tiến điều tốt và gọt dũa điều xấu. Việc sửa tượng và tân trạng tượng, không phải là việc làm một lần trọn gói, mà phải làm thường xuyên, từng bước một và không khi nào được bỏ lỡ.

 

Học ngoại ngữ phải học hằng ngày, bỏ một ngày không học, thì nhiều tiếng đã học, sẽ có nguy cơ ra ngoài trí nhớ. Viết văn, nếu ngày nào cũng viết, việc viết sẽ dễ dàng, tư tưởng sẽ như dòng nước, chảy qua ngòi bút. Nhưng bỏ một thời gian không viết, muốn viết lại, phải cần một cố gắng cao độ.

 

Chúa đã bảo chúng ta: Khi xây nhà, trước tiên phải tính toán xem mình có đủ tiền để hoàn thành không? Nếu không thì đừng xây vội, bởi vì xây nửa chừng, hết tiền, phải ngừng, thiên hạ sẽ chê cười chúng ta là bán đồ nhi phế. Trước khi ra trận cũng thế, phải lượng tính xem, mình với 10.000 quân, có đủ sức đương đầu đối phương với 20.000 quân không? Nếu không, thì nên sai sứ đi cầu hòa, trước khi đối phương tấn kích mình. Biết mình, biết địch, quả thực, là một yếu tố tất thắng của mọi cuộc chiến.

 

Cuộc sống gia đình, có thể nói, cũng là một cuộc chiến. Thông thường không đổ máu, vì nó là một cuộc chiến cân não, nhưng mức độ gay cấn cũng không phải nhỏ.

 

Bước chân vào gia đình, anh chị cần thấy được những thực tế trên, để tự võ trang đương đầu với nó, không cho phép nó “Đào ngạch khoét vách” hạnh phúc của mình được.

 

Rất có thể, từ ngày “Cảm nhau” cho tới hôm nay, anh chị chỉ thấy hoa hồng, mà không lưu ý tới gai hồng, thì ngay từ hôm nay, anh chị phải chấp nhận một sự thực: Hoa hồng nào cũng phải có gai. Nhưng gai không làm hồng xấu đi, ngược lại, sẽ tôn vẻ đẹp cho hồng.

 

Có thái độ đó, anh chị sẽ chẳng còn ngạc nhiên khi trông thấy gai, nhưng sẽ tinh tế, cẩn thận, mỗi khi hái hồng, để tay không rướm máu và hồng không dập nát.

 

 

Trích tập sách “Tình không như là mơ “ của Lm. Hồng Nguyên

 

Mục lục

 

 

ĐỌC SÁCH

PHÊRÔ(*)

 

Nếu tảng đá thứ hai Chúa chọn, là Phaolô để từ đây, dặt nền tảng cho việc xây dựng Giáo hội Công giáo; viên đá ấy, đã là viên đá nứt ngay từ trước. Nhưng rồi được Chúa sửa chữa, ghép lại lành lặn, và đã trở thành một viên đá rất đẹp và rất vững chắc.

 

Còn về tảng đá thứ nhất, mà chính bàn tay Chúa đã chọn, và đặt xuống làm nền “Phêrô, con là đá, trên đá này Ta sẽ xây Giáo hội của Ta”, thì đó là một viên đá rất cứng, già dặn, viên đá ấy không nứt từ đầu, mà lúc đặt xây rồi mới nứt.

 

Sao vậy ? Chúa có biết trước không, mà còn chọn xây hòn đá này.

 

Ta lần trở lại Tin Mừng, để tìm hiểu câu chuyện hi hữu này.

 

Sau một lần đi công tác về, Chúa Giêsu họp tất cả 12 môn đệ lại.

 

Được đi công tác, được gặp gỡ đủ mọi hạng người, có lẽ các tông đồ đã được nghe nhiều về tâm tư, nguyện vọng của bà con, cũng như về những nhận định trong nhiều lãnh vực khác nhau.

 

Chúa Giêsu muốn họp các ông lại, để nghe các ông kể lại những quan điểm ấy. Nhưng quan điểm mà Chúa muốn nghe không phải là những chuyện về cuộc đời trần thế. Điều Ngài muốn nghe là chiều sâu ấn chìm, là ánh hào quang rực rỡ, để hướng dẫn lối đi cho cuộc đời con người. đó là vấn đề Đức tin.

 

Ngài hỏi “Người ta bảo con người là ai”. Chúa muốn biết xem, sau một thời gian đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, người ta nhận định thế nào về Ngài. Đúng. Sai. Đó cũng là một hình thức kiểm tra, về đối tượng phục vụ, cũng như về phương pháp của chính mình.

 

Mỗi môn đệ đã trả lời một cách khác nhau. Người thì bảo Ngài là tiên tri này, người thì bảo Ngài là tiên tri nọ. Tất cả đều sai lầm. Nói thế ta mới thấy, để giúp cho người khác nắm bắt đúng được chân lý là một điều khó, rất khó.Đến như Chúa kia, với uy lực trong lời nói, với những phương pháp tuyệt vời, mà người ta còn chưa nắm bắt được nữa là.

 

Gạt sang một bên những phát biểu của các môn đệ. Chúa Giêsu quay sang khảo sát chính các môn đệ.

 

“ Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?“

 

Phêrô đứng lên thưa ngay :

 

“Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa Hằng Sống”

 

Nổi chưa ! Câu trả lời của Phêrô được điểm 10 hoàn hảo. Phải tâm đắc lâu lắm rồi về chân lý này, phải xác quyết chắc chắn lắm Phêrô mới trả lời nhanh nhẹn và chính xác như vậy. Chúa Giêsu ưng ý về câu trả lời ấy. Phêrô đã biết Thầy Giêsu của mình, chính là Ngôi Hai Thiên Chúa. Biết Ngài là Chúa, như thế cũng biết sứ mạng cứu độ của Ngài. Và bây giờ Phêrô đi theo Ngài, chính là muốn chia sẻ với Ngài về đường cứu độ. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã cúi xuống, để đưa Phêrô lên. Lúc ấy, Phêrô đang mang tên cúng cơm là Simon. Ngài nói :

 

“ Simon, con là Phêrô ( Phêrô nghĩa là Đá) . Trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo hội của Thầy.”

 

Sướng nhé thánh Phêrô. Chỉ vì một câu tuyên tín chính xác, đã được Chúa dùng để làm nền móng cho Giáo hội ; hay nói theo ngôn ngữ của Giáo hội hữu hình ngày nay, thì ngài là Đức Giáo Hoàng cơ đấy.

 

Đức Giáo Hoàng bị chửi thậm tệ.

 

Nhưng mà, dù là Giáo Hoàng, được Chúa yêu thương chọn lựa, và cất nhắc đi lên, ngài cũng còn là một con người. Mà đã là người, thì vẫn không thể thiếu những thiếu sót.

 

Sau khi đặt Phêrô làm giáo hoàng xong, Giáo hội đã được thành hình. Chúa Giêsu báo trước về số phận của Giáo hội ấy, qua việc Người loan báo về số phận bi thương của ngài. Số phận Giáo hội, chính là lặp lại, số phận của Chúa Kitô.

 

Người nói :“Con Người sắp bị bắt, bị đánh đập và bị giết chết. Vì thế, sẽ có những người bị vấp phạm vì Người”. Không thể chấp nhận được sự thua cuộc nghiệt ngã ấy. Phêrô vội vã kéo Người ra bên ngoài can ngăn : “Xin Chúa gìn giữ, để Thầy khỏi bị như thế”. Rất yêu thương và chân thành, Phêrô thành thực thổ lộ suy nghĩ của mình.

 

”Đồ quỷ, hãy tránh ra sau Ta”.

 

Khủng khiếp ! Chúa Giêsu lại mắng Giáo Hoàng là đồ quỷ. Sao vậy, ông đã phạm tội gì, mà bị chúa nặng lời đến thế.

 

Ông đang cám dỗ Chúa.

 

Ông đang dùng cơn cám dỗ ngọt ngào để cám dỗ Chúa mà ông không biết. Đường Đức Kitô phải đi, theo ý Chúa Cha, là đường khiêm nhu và đau khổ. Qua gian khổ mới tới vinh quang. Đường thánh Phêrô gợi ý, là đường thênh thang, thoải mái, trốn chạy đau khổ. Đường này, thì hợp với ước muốn chìm cũng như nổi của thân xác, vì hợp, cho nên rất dễ được chấp nhận, đi theo.

 

Cho nên, Chúa Giêsu đã nặng lời với Phêrô. Không phải Người nóng nảy, tức tối, mà Người muốn nhân cơ hội, cường điệu lên, để cho mọi người chú ý về một nguy hiểm của cơn cám dỗ ngọt ngào này. Cơn cám dỗ ấy, vừa hợp tình, vừa hợp lý, theo suy luận của con người, nhưng lại không hợp ý Chúa, không hợp với con đường cứu độ nhân loại.

        

Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm, trích tập sách “Giọt nước mắt hồng”

 

Mục lục

 

 

(*)Bài này tựa đề do Tin vui đặt